Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốm dẹp Sóc Trăng

Tuyền Lâm| 06/11/2022 08:33

(HNM) - Cốm dẹp là đặc sản của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Đây là vật phẩm không thể thiếu để cúng trăng trong lễ hội Ok Om Bok vào rằm tháng Mười âm lịch hằng năm. Nơi đây, nghề làm cốm dẹp đã tồn tại, phát triển từ lâu đời, với nguồn gốc ở 2 xã là Phú Tân (huyện Châu Thành) và Châu Hưng (huyện Thạnh Trị).

Nguyên liệu làm cốm dẹp từ giống nếp thuần chủng, ngon nhất là giống nếp mùa Long An, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) được gieo trồng trên đất Sóc Trăng. Khi lúa nếp vừa chín tới có bông to, hạt căng tròn vừa qua giai đoạn ngậm sữa người dân sẽ thu hoạch về làm cốm. Lúa nếp ngay sau khi thu hoạch đem tuốt hạt, lựa chọn hạt to đều và rang trên chảo nóng. Khi rang phải để lửa nhỏ vừa, đảo đều tay để thóc nếp chín đều và không bị cháy. Rang đến khi những hạt nếp se vỏ, tỏa ra hương thơm thoang thoảng và nổ đều tanh tách thì đổ sang cối giã ngay.

Giã cốm là công đoạn quan trọng làm nên chất lượng hạt cốm dẹp Sóc Trăng và phải làm hoàn toàn thủ công. Cối giã cốm phải làm bằng gỗ mít già, có lòng hẹp và sâu. Khi giã phải dùng chày đôi giã nhịp nhàng, đều tay, mạnh và chắc, giúp hạt thóc nếp nhanh tách khỏi vỏ trấu, nở thành những cánh cốm mỏng, to, đều. Sau khi giã, đổ cốm ra nia rồi sàng sảy để loại bỏ hết vỏ trấu và vụn cốm. Cốm dẹp thành phẩm có màu vàng xanh, tỏa hương dịu ngọt của lúa non, vị ngọt, ngậy, mềm và dẻo mang nét rất riêng của vùng đất Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cốm dẹp Sóc Trăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.