(HNM) - Qua thực tế tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy, có một phần không nhỏ bức xúc của người dân dẫn đến xung đột quyền lợi, khiếu nại lâu ngày là do chính người dân chưa hiểu biết đầy đủ về những nội dung pháp luật liên quan.
Tủ sách pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. |
Trong buổi tiếp công dân tại quận Hoàn Kiếm cuối năm 2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải giải thích rất cụ thể cho người khiếu nại về quyền và nghĩa vụ của công dân cũng như trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng. Thực tế, do không hiểu rõ, đầy đủ quyền và nghĩa vụ nên người khiếu nại thường “gõ nhầm cửa”, gửi đơn vượt cấp hoặc có nội dung khiếu nại không đúng pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, những quan hệ dân sự bị nhận thức là hình sự và ngược lại, dẫn đến việc mất tài sản, tranh chấp khó giải quyết. Cá biệt, do nhận thức chưa đúng, lại chậm được cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở giải đáp hoặc giải đáp chưa đầy đủ, thiếu thuyết phục dẫn đến việc người dân có hành vi vi phạm pháp luật...
Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết về nhiệm vụ giáo dục, phổ biến pháp luật trên phạm vi toàn thành phố trong năm 2018. Theo đó, nội dung ưu tiên là phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân và doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII, XIV thông qua, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...; các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành văn bản pháp luật...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật góp phần thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; các nhiệm vụ trọng tâm như: Siết chặt kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; trật tự và văn minh đô thị; bảo đảm an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống cháy nổ, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; vệ sinh môi trường…
Ngoài ra, sẽ tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền những nội dung của “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”, “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” để người dân thực hiện, đồng thời giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức…
Về hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (httt://pbgdpl.hanoi.gov.vn) cũng như cổng thông tin điện tử của sở, ban, ngành, địa phương.
Đi đôi với tuyên truyền, công tác hòa giải từ cơ sở sẽ được thành phố đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, việc hòa giải phải tiến hành bài bản, có sự tham gia của các đoàn thể, tổ dân phố, trên cơ sở có lý, có tình để người dân, người có khiếu nại “tâm phục khẩu phục” thì kết quả mới bền vững.
Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Thành phố cũng sẽ kiện toàn, củng cố tổ hòa giải, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, gắn với động viên, khen thưởng kịp thời những hòa giải viên và cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở có đóng góp thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.