Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp công dân

Hương Ly| 18/11/2018 07:13

(HNM) - Trong tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã nghe và thảo luận về các báo cáo liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.


Củng cố lòng tin của nhân dân

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết hơn 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7%. Trong đó, đã giải quyết khiếu nại 20.890 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,4%; giải quyết tố cáo hơn 6.680 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%.

Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân hơn 213 tỷ đồng, gần 100 ha đất; khôi phục và bảo đảm quyền lợi cho hơn 1.800 tập thể, cá nhân; xử lý vi phạm 372 trường hợp, kiến nghị xử lý vi phạm và chuyển cơ quan điều tra 9 vụ việc.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phát biểu thảo luận. (Ảnh: quochoi.vn)


Các đại biểu cho rằng, đạt được kết quả trên là do các cấp, các ngành đã chú trọng công tác này; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển chính trị - xã hội. Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) và đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhận xét, năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ khá cao. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Vẫn “nóng” khiếu nại về đất đai

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,8%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản…

Về tố cáo, so với năm 2017 tăng 41,1% số đơn và 16,3% số vụ việc. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định của Luật Tiếp công dân. Đặc biệt, việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Theo đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), tại nhiều địa phương, vẫn tồn đọng nhiều vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phản ánh, có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở chưa cao. Một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, chính quyền chưa làm hết trách nhiệm, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc nên có nhiều khiếu nại, tố cáo vượt cấp” - đại biểu Tô Văn Tám nêu rõ.

Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng nhiều khiếu nại, tố cáo, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng: Nhiều trường hợp khiếu nại việc bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng lại thiếu cơ chế, chính sách giải quyết thỏa đáng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng, để xảy ra sai phạm. Quá trình thực hiện thu hồi đất còn chưa đúng quy trình thủ tục, thiếu công khai, minh bạch, thiếu dân chủ, công bằng.

Để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần coi trọng đối thoại với công dân, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại về đất đai. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào việc sửa đổi Luật Đất đai, đầu tư, xây dựng để giải quyết tận gốc khiếu nại, tố cáo của công dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.