Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng đánh giá của người dân

Phong Thu| 28/09/2017 07:19

(HNM) - Đến nay, các cơ quan hành chính trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều hình thức để tiếp nhận sự đánh giá của người dân khi giao dịch tại bộ phận “một cửa”. Kết quả đánh giá từ các “kênh” này đã góp phần nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính.


Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước là thông tin khách quan giúp người quản lý nắm bắt được chất lượng công tác của đơn vị mình. Thực tế cho thấy, ở các địa bàn khác nhau, người dân cũng có những cách khác nhau để phản ánh, nhận xét, đánh giá hoạt động của cơ quan hành chính. Vì thế, có những đơn vị sổ tiếp nhận ý kiến luôn trống nhưng phiếu tiếp nhận ý kiến thu về lại nhiều. Có đơn vị sổ ghi ý kiến nhiều còn hòm thư góp ý lại rất ít thư. Coi trọng công tác này, các đơn vị đã triển khai nhiều cách thức tiếp nhận phản ánh, đánh giá của người dân và bước đầu thu được kết quả khả quan.

Sau một thời gian dài quận Hà Đông triển khai hệ thống điện tử tại bộ phận “một cửa” để công dân đánh giá mức độ hài lòng khi làm thủ tục hành chính, đến nay người dân đã khá quen với việc này. Chị Nguyễn Thanh Phương (phường Phúc La) chia sẻ: “Tôi thấy đây là một cách đơn giản, dễ làm, để mình được thể hiện chính kiến của mình về thái độ, cách làm việc của cán bộ, công chức. Người nhận xét chỉ cần bấm nút “rất hài lòng”, “hài lòng” hay “không hài lòng” nên lần nào nhận kết quả xong tôi cũng bấm nhận xét”.

Tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng, người dân lại thường xuyên ghi nhận xét vào quyển sổ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Còn tại phường Giang Biên (quận Long Biên), việc đánh giá lại được thực hiện khá hiệu quả qua việc Ủy ban MTTQ tổ chức phát phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND phường.

Dù thực hiện lấy ý kiến đánh giá của người dân với các hình thức khác nhau nhưng điểm chung đáng mừng của các cơ quan hành chính nhiều quận, huyện (Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hà Đông...) là đều nhận được sự hợp tác tích cực từ phía người dân. Chỉ riêng việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn, 9 tháng đầu năm 2017, quận Hà Đông đã nhận được 3.687 lượt đánh giá của cá nhân và tổ chức. Kết quả có 2.835 lượt rất hài lòng; 852 lượt hài lòng; không có trường hợp không hài lòng. Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hà Đông Nguyễn Mạnh Cường: Từ kết quả đánh giá của người dân, quận sẽ có thêm cơ sở để đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức. Với cách thức này, mỗi cán bộ, công chức cũng luôn có ý thức làm tốt nhiệm vụ, hoàn thiện mình trong giao tiếp, ứng xử với công dân.

Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ngày 8-11-2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017-2020" để có căn cứ xác định chính xác.

Như vậy, việc các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội chủ động triển khai các hình thức đánh giá của người dân về sự phục vụ của cán bộ, công chức sẽ là tiền đề tốt để thời gian tới thực hiện Đề án đo lường sự hài lòng của người dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng đánh giá của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.