(HNM) - Khóa họp lần thứ 13 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) tại Giơnevơ, Thụy Sỹ (từ ngày 1 đến 26-3) với sự tham gia của đại diện 70 quốc gia đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi hôm nay, nhân loại đều hướng về Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, một thời điểm nhắc nhở thế giới về quyền của phụ nữ.
Thế giới quan tâm đến sự kiện đang diễn ra tại Giơnevơ vì cộng đồng quốc tế đang đề cập đến một vấn đề nhạy cảm và không thể có mẫu số chung cho mọi quốc gia. Hơn thế nữa, quyền con người, hay còn gọi là nhân quyền, được đưa ra bàn thảo vào thời điểm cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiên tai, đói nghèo, dịch bệnh... đang gây những tác động ghê gớm đến việc thụ hưởng các quyền con người ở nhiều quốc gia trải dài từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ cũng như các vùng hẻo lánh trên sa mạc châu Phi, Trung Đông...
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự khóa họp với quan điểm nhất quán của Việt Nam là Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua việc đề cao các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan, không thiên vị, loại bỏ yếu tố chính trị hóa cũng như nguy cơ đối đầu; đồng thời tiếp tục trở thành một diễn đàn của đối thoại và hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hành động thực sự nhằm đạt được mục tiêu cao cả: Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Quan điểm ấy đã thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần xây dựng và cởi mở của Việt Nam trước một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng lại có yếu tố đặc thù này; đồng thời khẳng định tư tưởng chủ đạo, mục tiêu và ưu tiên của Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước văn minh, một xã hội dân chủ, công bằng, trong đó con người được xác định là nhân tố trung tâm.
Mọi sự phát triển chỉ có ý nghĩa khi nó là của mỗi con người và vì mỗi con người, chân lý này đã được xác định là hòn đá tảng trong công cuộc phát triển và xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay. Chiến lược gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế bền vững với ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an sinh cũng như phát triển toàn diện con người mà Việt Nam theo đuổi và thực hiện thời gian qua là minh chứng thuyết phục cho quyết tâm chiến lược đó.
Một trong những thành tựu rực rỡ của hơn 20 năm đổi mới tại nước ta là những thành công vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Mức sống của các tầng lớp dân cư từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được cải thiện rõ rệt. Việc công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ (MTTNK) về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm là đánh giá đúng đắn và khách quan về những nỗ lực của Việt Nam.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao và ổn định trong nhiều năm qua là sự gia tăng trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số giới (GDI) ở mức tương ứng là 105/177 và 91/157. Song song với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm bảo đảm các quyền của con người theo pháp luật, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng đầu tư cho giáo dục với ngân sách tăng hằng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm (từ năm 2000) so với thời hạn của MTTNK và đứng thứ 64/127 nước trong bảng xếp hạng về phát triển giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO). Mặc dù với GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 1.000 USD, Chính phủ Việt Nam vẫn dành 15% tổng ngân sách quốc gia cho các dịch vụ y tế công cộng với phương châm bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện cơ bản cho sự phát triển con người bền vững ở Việt Nam...
Với 54 dân tộc có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, khoảng 80% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng và khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau. Nhà nước Việt Nam kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc luôn nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người. Trên tinh thần đó, các cơ sở thờ tự, kiến trúc tôn giáo không ngừng được tu bổ, xây mới trong khi các sinh hoạt tôn giáo mang tầm quốc tế đã được tổ chức trọng thể và trở thành một phần của đời sống xã hội. Sự kiện Việt Nam vừa tiếp nhận xá lợi Phật từ quê hương Phật giáo Ấn Độ (ngày 3-3) là một thể hiện sinh động về đời sống tinh thần của người dân, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng chính sách tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Tiến trình hội nhập nhanh của Việt Nam vào mọi mặt của đời sống quốc tế cũng như vị thế ngày càng cao của nước ta trên thế giới là bằng chứng rõ ràng nhất về sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế trước những thành công và tiến bộ của Việt Nam thời gian qua trong lĩnh vực quyền con người.
Đây là một quá trình nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn những quyền của con người, được coi như cội rễ của mọi thành công mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, để tiếp tục vững bước tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.