(HNM) - Vì muốn có diện mạo xinh đẹp đón Tết, nên thời điểm cuối năm, nhu cầu làm đẹp của chị em cũng tăng lên. Để có được sự thay đổi nhan sắc "cấp tốc" mà không cần đến phẫu thuật, các thủ thuật thẩm mỹ được lựa chọn chủ yếu là căng chỉ, tiêm botox, filler (chất làm đầy)… Thế nhưng, thay vì đến các địa chỉ uy tín, không ít người lại chọn những cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Hậu quả, các bệnh viện liên tục tiếp nhận những trường hợp bị tai biến sau khi “nâng cấp” nhan sắc.
Biến chứng thường gặp do tiêm filler
Muốn có một gương mặt trẻ trung để đón Tết, chị N.Q.H (32 tuổi, ở Hà Nội) đã tìm đến dịch vụ tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ gần nhà để xóa đi các nếp nhăn và làm căng da. Tuy nhiên, sau khi tiêm, toàn bộ vùng má, mũi của chị H. bắt đầu sưng, uống thuốc kháng sinh cũng không đỡ. Đến khi vùng mũi tiết dịch, chảy mủ…, chị H. mới tá hỏa tìm đến Bệnh viện Da liễu trung ương để thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, không phải ai cũng phù hợp với các loại thủ thuật làm đẹp như tiêm botox, filler…, mà phải được bác sĩ đánh giá, chỉ định cụ thể. Hơn nữa, để thực hiện được thủ thuật tiêm chất làm đầy, các bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thẩm mỹ dù không có bác sĩ có tay nghề nhưng vẫn thực hiện các kỹ thuật vượt quá khả năng cho phép...
“Một trong những biến chứng thường gặp là do tiêm chất làm đầy. Người tiêm có thể gặp các biến chứng cấp tính là tắc mạch, dẫn tới mù mắt hoặc hoại tử mũi, trán. Những trường hợp này thường gặp khi người thực hiện không được đào tạo, tiêm filler vào mạch máu lớn hay sử dụng các loại kim nhọn có áp lực, thể tích lớn và tốc độ nhanh, không đúng vị trí…”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh dẫn chứng.
Hầu như tháng nào Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân gặp biến chứng nặng nề sau phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có biến chứng sau tiêm filler. Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngay trong tháng 12-2021, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 25 tuổi quê ở tỉnh Hà Nam bị biến chứng sau khi tiêm filler để nâng mũi. Bệnh nhân được chuyển tới cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mắt sụp mí nhẹ, trên bề mặt da đã có dấu hiệu nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), nhiều khách hàng muốn làm đẹp theo kiểu cấp tốc. Khi đến bệnh viện, họ muốn bác sĩ tiêm filler cho nhanh, vì ở cơ sở thẩm mỹ bên ngoài họ chỉ làm 15 phút là xong. Thậm chí, có người còn hỏi, tại bệnh viện có thực hiện tiêm silicon lỏng vào mông, vào ngực cho nhanh, giống các cơ sở thẩm mỹ hay làm không... Song, để bảo đảm sự an toàn, bác sĩ buộc phải từ chối những yêu cầu này, vì dù là tiểu phẫu cũng phải được tính toán tỉ mỉ và đặt sự an toàn cho người bệnh lên cao nhất, tuyệt đối không thể làm ẩu, làm bừa.
Tránh chạy theo quảng cáo
Các dịch vụ làm đẹp ít xâm lấn như tiêm filler, botox… có điểm chung là, thời gian hồi phục nhanh, sau khoảng 1-2 tuần, các chị em đã có thể ra phố đón Tết và khoe nhan sắc. Thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), để bảo đảm an toàn, trước khi đi làm đẹp, chị em cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về cơ sở mình chọn lựa, tránh tâm lý vội vàng, gấp gáp làm đẹp kịp đón Tết, dễ xảy ra nguy cơ biến chứng.
“Hiện có rất nhiều kênh thông tin, trong đó thông tin quảng cáo trực tuyến rất mạnh, nhưng đây chỉ là kênh thông tin có tính chất tham khảo. Mọi người cần kiểm tra thông tin của bác sĩ, phòng khám trên cơ sở dữ liệu của Sở Y tế. Để lựa chọn cơ sở làm đẹp cần hội đủ hai yếu tố. Thứ nhất, người đủ điều kiện để thực hiện các phẫu thuật và thủ thuật có xâm lấn, nhẹ nhất là tiêm filler, rồi làm mí, nâng mũi…, thì chỉ có các bác sĩ đã được đào tạo về chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được cấp chứng chỉ hành nghề. Thứ hai, nơi thực hiện phải là các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín. Tuyệt đối không phó thác sức khỏe và nhan sắc cho các cơ sở thẩm mỹ “chui”, không có giấy phép; các nhân viên thẩm mỹ không có bằng cấp”, bác sĩ Nguyễn Đình Minh khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép phải có biển niêm yết ghi rõ: Phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách. Riêng với thủ thuật tiêm filler, ngoài việc lựa chọn cơ sở được cấp phép, khách hàng phải lựa chọn những loại filler bảo đảm chất lượng đã được cấp phép bởi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Y tế; tránh chạy theo quảng cáo, tiêm filler trôi nổi để rồi “tiền mất tật mang”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.