Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi chừng bẫy ''việc nhẹ, lương cao''

Bắc Vũ| 20/07/2022 06:41

(HNM) - Nắm được điểm yếu của người lao động là cần việc làm, mong thu nhập cao, nhưng lại thiếu hiểu biết pháp luật và thông tin về thị trường việc làm ngoài nước, thời gian qua, một số đối tượng đã thực hiện các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dân đi làm việc ở nước ngoài.

Điển hình là gần đây, với chiêu bài dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao, không yêu cầu trình độ”, không ít người dân đã “mắc bẫy” ra nước ngoài làm việc để rồi bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Nhìn chung, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật. Chúng lập trang web, nhóm trên mạng xã hội Zalo để tạo lòng tin của người lao động. Có những đối tượng dùng cả hình ảnh của người lao động đang làm việc ở nước ngoài; làm giả trang web giống như trang web của doanh nghiệp có uy tín về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở văn phòng, tổ chức sự kiện tại khách sạn… với mục đích là làm cho những người nhẹ dạ, cả tin bị “mắc bẫy”.

Do đó, để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước cũng như các điều kiện, quy định, đối chiếu xem mình có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Phải luôn cảnh giác trước các lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”, “không mất chi phí đi lại”, “không yêu cầu trình độ”... của các đối tượng trên mạng xã hội.

Người lao động khi có nhu cầu, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động có thể dễ dàng tra cứu trên trang web http://www.dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động nơi mình cư trú để được hướng dẫn. Đặc biệt, trước khi nhận lời đi làm việc ở nước ngoài, người dân cần tìm hiểu thật kỹ về địa điểm nơi mình định đến làm việc; thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại nước ngoài.

Trong quá trình tìm hiểu, nếu nghi ngờ các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài làm việc không đúng quy định hoặc nghi có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần thông báo ngay cho gia đình và trình báo để các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thực tế hiện nay có những hình thức, thủ đoạn lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài rất tinh vi. Trong nhiều vụ việc, khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì người lao động vẫn chịu thiệt thòi, tổn thất. Vì vậy, để phòng ngừa những vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cấp, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các quy định trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Mặt khác, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất; nếu phát hiện tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tăng tính răn đe...

Cảnh giác và luôn phải tìm hiểu kỹ các thông tin về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chính là bảo đảm quyền lợi cho chính mình, đồng thời góp phần phát triển lành mạnh thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi chừng bẫy ''việc nhẹ, lương cao''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.