(HNM) - Hơn hai tháng gần đây, cờ vua Hà Nội bận rộn với những cuộc thi đấu trong và ngoài nước.
Đối với người quản lý, đó là niềm vui, động lực và cũng là áp lực. Trưởng bộ môn cờ Hà Nội (Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) Đặng Vũ Dũng đã trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề nói trên.
- Hãy bắt đầu từ tấm HCV gần đây của cờ vua Hà Nội tại ĐH Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á 2013. Theo ông, tấm HCV ấy nói lên điều gì về hướng đi của cờ vua Hà Nội trong những năm qua?
- Cũng phải nói rõ hơn là tấm HCV ấy thuộc nội dung đồng đội hỗn hợp cờ chớp. Trong đội hình đội tuyển Việt Nam dự nội dung này có một kỳ thủ Hà Nội là Hoàng Thị Bảo Trâm - người trưởng thành từ phong trào cờ vua Huế, mới đầu quân cho Hà Nội trong mấy năm gần đây. Khi ấy, Hà Nội mới tập trung phát triển lại môn cờ vua, rất cần VĐV đẳng cấp nhằm mang lại động lực cho các VĐV Thủ đô. Hơn nữa, việc chiêu mộ các VĐV trên cũng cụ thể hóa chủ trương thu hút nhân tài của thể thao Hà Nội. Có môi trường tập luyện tốt, Hoàng Thị Bảo Trâm đã nâng cao được sức cờ và việc đoạt HCV tại Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á vừa qua có thể coi là thành công bước đầu của cờ vua Hà Nội trên đường vươn tới đấu trường đỉnh cao.
Kỳ thủ Hoàng Thị Bảo Trâm. |
- Còn những VĐV khác, những người trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội thì sao, thưa ông?
- Đến lúc này, nhiều kỳ thủ được kỳ vọng của Hà Nội vẫn đang có sức tiến ổn định. Trần Tuấn Minh, mới 16 tuổi nhưng ở Giải Vô địch quốc gia 2013 đã lần thứ hai liên tiếp đoạt ngôi á quân. Ở Giải Vô địch các nhóm tuổi Châu Á 2013, Trần Tuấn Minh giành chức vô địch nội dung cờ nhanh và cờ chớp lứa tuổi U16. Một kỳ thủ khác là Lê Tuấn Minh cũng vô địch nội dung cờ nhanh U18 ở giải này. Những kỳ thủ nữ như Vương Quỳnh Anh, Ngô Đức Trí, Nguyễn Thị Lan Anh mới được đầu tư vài năm nay, đang phát triển theo đúng lộ trình. Vấn đề là các em có quyết theo nghiệp cờ vua đến cùng hay không thôi.
- Quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp, dường như đó vẫn là vấn đề nan giải, không chỉ với cờ vua…
- Quả thực là nhiều lúc chúng tôi đã phải chấp nhận mất những VĐV đặc biệt tài năng chỉ vì đến độ tuổi nhất định, các em sẽ phải chọn theo thể thao hay học văn hóa. Ở góc độ của mình, chúng tôi chỉ biết làm hết sức để duy trì đam mê và giúp các em nâng cao thành tích. Còn quyết định thế nào là quyền của các em và gia đình.
- Hiện tại, cờ vua Hà Nội đã khẳng được định vị thế tại Giải Vô địch quốc gia cũng như Giải trẻ Đông Nam Á, Châu Á. Những mục tiêu cao hơn thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi đang từng bước đầu tư cho những kỳ thủ trọng điểm còn rất trẻ bằng việc thuê dịch các tài liệu cờ quý giá trên thế giới để các em tham khảo, thuê chuyên gia nước ngoài dạy cờ trên internet, đầu tư cho các em học tiếng Anh để dễ dàng chủ động tham khảo các tài liệu cờ vua. Chi phí cho việc này không ít. Không kể, bộ môn cũng phải thu xếp để các em dự các giải quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm. Thời gian tới, danh hiệu kiện tướng quốc tế với hệ số elo từ 2.500 đến trên 2.600 không phải bất khả thi so với khả năng và sự phấn đấu của một số kỳ thủ triển vọng của Hà Nội, nhưng để đạt hệ số elo 2.700 và lọt vào nhóm 100 kỳ thủ hàng đầu thế giới thì không đơn giản. Lê Quang Liêm có được như ngày hôm nay cũng nhờ có gia đình là hậu phương vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Hiện tại, cờ vua Hà Nội chưa có được điều này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu không có biến động lớn, chúng tôi sẽ làm được nhiều điều hơn hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.