Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cô Tô xanh…

Bài, ảnh: Cao Hải Giang| 15/07/2018 07:54

(HNM) - Đúng là “Cô Tô chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích, hoặc chao ôi nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa bể” (Bút ký Cô Tô (1965), nhà văn Nguyễn Tuân). Nhưng huyện đảo tiền tiêu ở phía Đông Bắc của Tổ quốc không chỉ có vậy, Cô Tô còn ngập tràn màu xanh của sự sống, những câu chuyện rộng dài hơn về giữ gìn biển đảo quê hương…

Đầm sen ở huyện đảo Cô Tô.


Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn, từ lâu đời đã là nơi trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc xin được nhập cư sinh sống. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng đốc Hải Dương - An Quảng đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản... Đấy là vài nét chấm phá về sự hình thành của Cô Tô. Nay, trên bản đồ, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) với gần 50 đảo lớn nhỏ, là những vệt xanh nằm ở Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách tỉnh lỵ chừng 60 hải lý. Huyện gồm thị trấn Cô Tô và 2 xã Thanh Lân, Đồng Tiến.

Ra đảo, xuống cầu tàu là đã nghe mùi biển… Hiển nhiên rồi! Nhưng Cô Tô không chỉ có những con tàu đánh cá xếp từng hàng dài, cờ bay đỏ rực, có bãi Bắc Vàn nhiều sao biển, bãi Vàn Chảy sóng vỗ tung bọt trắng, cát mịn trải dài cả cây số, bãi Hồng Vàn dập dềnh rong biển… Nơi đây nếu chạy xe máy theo những con đường ra biển có thể bất ngờ gặp những cánh đồng lúa “cứ chín vàng, vàng ươm”, máy tuốt lúa làm tung những cọng rơm bay xuống vệ đường và mùi hương của lúa chín, của rơm cứ thơm lên dưới nắng.

Đặc trưng khí hậu, vị trí địa lý, biến đổi địa chất ở Cô Tô qua hàng triệu năm đã mang lại cho nơi đây những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền biển đảo rất đa dạng và thú vị. Chỗ có cảng, biển, nơi kia lại có cánh đồng, rừng, hồ nước ngọt, những vạt sim, mua tím, tre xào xạo…

Đất có khả năng làm nông nghiệp ở Cô Tô chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, chăn thả gia súc… Nếu trước đây phải đợi tàu ra đảo mới có đủ gạo để ăn, thì nay lúa ở Cô Tô với nhiều giống ngon, năng suất cao đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực cho người dân. Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến đang nhanh tay thu thóc sau khi cả sân thóc đã được phơi no nắng, kể: Năm nay được mùa, gia đình cấy được một mẫu bảy, cũng được 3 tấn thóc. Ngoài trồng lúa, anh còn nuôi cả bò, trâu, lợn, gà và đàn dê mấy chục con. Cách đó không xa, một phụ nữ dáng người nhỏ, nhanh nhẹn vui vẻ góp lời: Tôi là thế hệ 79 đây (thế hệ những người dân được Nhà nước vận động đi làm kinh tế mới ở đảo Cô Tô từ năm 1979). Xưa trồng lúa mới khổ, giờ sướng hơn nhiều rồi… Gạo này là gạo sạch, không có thuốc trừ sâu, giống mang từ đất liền ra đấy.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Tiến Vương Văn Thành một sớm ra bãi biển Hồng Vàn bắt mẻ ngao về cải thiện. Ông rủ rỉ: Trước người dân trồng lúa chỉ được 70-80kg/sào nhưng giờ chịu khó chăm bón cũng được 2 tạ rưỡi/sào. Nước để trồng lúa trên đảo là nước mưa chứa trong hồ, đập, cả hồ tự nhiên, hồ nhân tạo. Xã, huyện đều vận động người dân làm ruộng, nhưng nay bà con cũng chuyển sang làm du lịch nhiều, vì thu nhập cao hơn…

Quả thật, 6 tháng đầu năm nay Cô Tô có được 74ha trồng lúa, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Giữ đồng lúa cho đảo trong bối cảnh làm dịch vụ du lịch đang hừng hực khí thế chắc chắn là chuyện không dễ.

Nhưng không chỉ có lúa, ở giữa vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc, gặp những bông sen vươn lên trên đầm thấy thân quen ghê gớm, cảm giác như đang ở trong đất liền. Thấy Tổ quốc ở ngay bên, rất gần. Chủ nhà đi vắng, không rõ đầm sen hình thành là để phục vụ du lịch, kinh tế… hay chỉ là thỏa nỗi nhớ thương nào đó của một gia đình ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mang theo đến tận đảo này? Ngắm đường kênh chạy dài giữa đầm mà khâm phục sự vươn lên của người dân, ghi nhận công sức đầu tư của Nhà nước và sức sống tự thân trên đảo nhỏ. Thật vậy, Cô Tô là huyện đảo trẻ nhất (thành lập năm 1994) có diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất… của tỉnh Quảng Ninh. Để có nước ngọt cho lúa, cho sen, cho rau màu, ngoài nước mưa, hồ tự nhiên, Cô Tô phải tạo ra hồ nước ngọt. Trong đó hồ nhân tạo Trường Xuân nhìn trên bản đồ huyện đảo Cô Tô rộng lớn, xanh thẳm đến mát mắt…

Lúa và sen do người trồng, hẳn là thế. Nhưng Cô Tô còn đẹp một vẻ đẹp hoang sơ. Không kể đảo Cô Tô con thuộc xã Đồng Tiến còn nguyên cả cánh rừng nguyên sinh, thì ngay trên thị trấn Cô Tô, màu xanh tự nhiên vẫn hiện diện. Những nhánh xương rồng lớn, bám cát, nở hoa. Trên đường xuống bãi biển, thấy rất nhiều cây nhỏ cao chỉ chừng hai đến ba gang tay người lớn, lá xanh mướt, thân pha đốm trắng. Tưởng như dưới lớp xanh này là nước, trong lành, mát lạnh… Một chị vừa trải chiếu lên phản gỗ, căng ô chuẩn bị đón khách tắm biển ở bãi Hồng Vàn vừa thủng thẳng bảo: Ấy cái cây ấy là khoai nưa, củ không ăn được đâu, ngứa rách mồm, thụt lưỡi ra đấy. Lạ thế, cái cây cho củ không ăn được mà vẫn thấy mọc ở khắp nơi trên dải đất pha cát ở đảo; vẫn xuất hiện tự nhiên ngay cả trong khu nghỉ dưỡng ven biển… Nghĩa là, sự hiện diện của tự nhiên vẫn còn được tôn trọng, như nó vốn thế…

Như đã nói, có một thế hệ người dân ra đảo làm kinh tế mới từ những năm 1979, phần nhiều là người gốc Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An. Bên cạnh đó là một lớp cư dân ra đảo làm kinh tế từ quãng đầu những năm 1990. Những cánh đồng lúa trên đảo đã kể nhiều hơn một câu chuyện ngoài vấn đề lương thực. Đó chính là sự chung sức của người dân để cải tạo đất, phát triển nông, ngư nghiệp… xây dựng cuộc sống mới; rồi lại những thế hệ sau ra đời lớn lên tiếp tục nhỏ mồ hôi trên những cánh đồng giữa đảo… Để làm gì? Để mưu sinh, nhưng cũng chính là để góp phần giữ đảo.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Mạnh (Trường THCS Đồng Tiến) là thế hệ cư dân thứ 3 của đảo kể từ năm 1979. Mạnh còn nhớ rất nhiều chuyện về lịch sử Cô Tô theo lời kể của ông bà anh. Mạnh kể chuyện nhiệt thành kèm nụ cười mang cả nắng gió của vùng đảo. “Trước người dân dùng giếng đào, đào chừng 3m sâu là thấy nước trong lành, mát lạnh. Giờ người dân dùng nước giếng khoan. Trước ở đây có vùng trồng khoai sắn rộng lớn, giờ thì không còn nữa rồi” - Mạnh vừa vui chuyện vừa luôn tay làm đồ uống, nghe điện thoại, xếp phòng cho khách… Là vì mùa hè, Mạnh tranh thủ làm thêm, quản lý một khu nghỉ dưỡng gần bờ biển cho một ông chủ ở Hà Nội.

Cậu bé Nguyễn Quốc Khánh, 11 tuổi, ở khối 1, thị trấn Cô Tô tính ra cũng là thế hệ thứ 3, thứ 4 trên đảo. Cậu có khuôn mặt tròn, “nước da màu nắng” và nụ cười tươi rói. Khánh lướt trên chiếc xe điện 2 bánh tự cân bằng đưa khách trọ của gia đình (nhà nghỉ Phương Anh) ra quán ăn gần bãi biển, lúc lại tất bật lên phòng hướng dẫn khách bật ti vi… Xong, Khánh ngồi phịch xuống ghế, thở hắt ra, rất chi là vất vả… Nhưng nói chuyện thì… vẫn cười.

Ôi nụ cười của những con người vùng biển! Nụ cười nao lòng du khách, như Khánh, như Mạnh và như cậu bé nằm trên chạc cây một gốc nhãn cổ thụ - thấy tôi nâng ống kính lên và xin phép chụp ảnh, thì cậu nhỏm dậy rồi lại nằm xuống, đung đưa chân, mắt lấp lánh ánh vui…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô Tô xanh…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.