Giao thông

Cố tình đi ngược chiều tại một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội: Cần xử lý quyết liệt

Nhóm phóng viên 01/04/2024 - 07:07

Tại một số tuyến đường nội đô Hà Nội lâu nay vẫn xuất hiện tình trạng người điều khiển phương tiện bất chấp nguy hiểm đi sang làn đường ngược chiều để di chuyển… Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nhưng hành vi này vẫn diễn ra.

Do vậy, cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình đi ngược chiều, bởi việc này không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

nhieu-nguoi-dieu-khien-xe-m.jpg
Nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều đường tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công.

Vô tư đi ngược chiều

Ngã tư Xuân La - Võ Chí Công (quận Tây Hồ) thường xuyên có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Hệ thống đèn tín hiệu tại đây được lắp đặt theo hướng ưu tiên các phương tiện lưu thông trên đường Võ Chí Công với thời gian đèn tín hiệu xanh dài hơn, trong khi hướng đi đường Xuân La có thời lượng ngắn hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tại nhiều thời điểm, lượng phương tiện dừng chờ tại ngã tư theo hướng đi Xuân La - Lạc Long Quân thường xuyên bị dồn lại, kéo dài cả trăm mét. Vì vậy, mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, nhiều người tham gia giao thông đã liều mình điều khiển phương tiện đi sang chiều đường đối diện khi dừng chờ đèn đỏ. Khi đèn tín hiệu chuyển xanh, người đi ngược chiều đường hùa nhau phóng nhanh theo hướng đi thẳng hoặc rẽ trái sang đường Võ Chí Công, sẵn sàng “tạt đầu” các phương tiện đi đúng chiều đường khiến ngã tư này thường xuyên xảy ra va chạm.

Tương tự, tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung - Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), hướng từ đường Nguyễn Phong Sắc đi phố Trần Cung thường xuyên có nhiều người tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ tràn sang làn đường đối diện, vô tư dừng đỗ choán hết toàn bộ lòng đường, đối đầu trực diện với các phương tiện từ hướng đường Hoàng Quốc Việt rẽ trái sang đường Nguyễn Phong Sắc.

Trong khi đó, vào khung giờ cao điểm, tình trạng người điều khiển xe máy nối đuôi nhau đi vào làn đường ngược chiều cũng thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường: Trần Quốc Hoàn, Xuân Thủy, Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy); Giải Phóng (quận Hoàng Mai)… nhằm mau chóng thoát khỏi điểm ùn tắc. Không chỉ đi ngược chiều trên các tuyến đường nội đô, nhiều người tham gia giao thông còn bất chấp nguy hiểm, cố tình chạy xe máy vào làn cao tốc tại đường Vành đai 3 trên cao, nhưng khi phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực tại các điểm giao cắt, nhiều người vội vã điều khiển xe quay đầu, đi ngược chiều trên làn dừng khẩn cấp để tránh bị phạt.

Cần tăng cường “phạt nguội”

Trước hiện tượng nhiều người thiếu ý thức điều khiển xe từ phố Kim Đồng, đi ngược chiều trên đường Giải Phóng thay vì đi đúng đường, để quay đầu rẽ vào Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai), Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức ứng trực xử lý nghiêm vi phạm. Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, hành vi đi ngược chiều đường vô cùng nguy hiểm khi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Thời gian qua, cùng với việc cắm chốt xử lý ngay tại khu vực có hiện tượng đi ngược chiều, đơn vị đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hoàng Mai tổ chức xử lý, cắm chốt tại các tuyến đường có mật độ giao thông đông vào giờ cao điểm nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm này từ xa.

Trong khi đó, Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, địa bàn phố cổ vừa chật, vừa đông nên hành vi đi ngược chiều cần lên án vì gây nguy hiểm cho cộng đồng và làm xấu hình ảnh văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Hiện tại, công an 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang duy trì việc tập trung xử lý những hành vi đi ngược chiều đường để giữ nghiêm trật tự đô thị.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (ngày 30-12-2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP (ngày 28-12-2021) “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng”, người điều khiển xe ô tô có hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Trường hợp điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, mức phạt sẽ tăng lên từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng. Tương tự, với hành vi điều khiển xe máy đi ngược chiều đường của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm, người điều khiển phương tiện bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp đi ngược chiều và gây tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng… Đây là mức phạt khá cao, vì vậy, bên cạnh xử phạt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để răn đe, cảnh tỉnh người điều khiển phương tiện không vi phạm quy định.

Bên cạnh đó, theo Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), để giải quyết tình trạng người điều khiển phương tiện cố tình đi ngược chiều trên các tuyến đường, song song với việc bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên, xử lý vi phạm, thành phố cần sớm trang bị hệ thống camera giám sát tại tất cả các tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường vành đai, thực hiện “phạt nguội” nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cố tình đi ngược chiều tại một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội: Cần xử lý quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.