(HNM) - Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã diễn ra trong ngày 9-2. Hôm qua, tại tờ trình, Chính phủ đã xin bổ sung đưa dự án Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính thức năm 2010.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, do tính chất quan trọng của dự án luật, tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo. Tiếp thu ý kiến nhiều chiều từ các chuyên gia kinh tế, pháp lý, dự thảo đã xây dựng chỉnh lý đến lần thứ 3. Nay Ban soạn thảo đang cố gắng hoàn thiện tốt nội dung và bảo đảm các thủ tục, đáp ứng đủ các điều kiện để đề nghị QH xem xét. Hiện so với dự kiến ban đầu, dự thảo luật đã rút từ 56 điều xuống còn 33 điều. Trước khi nghỉ Tết, Ban soạn thảo sẽ gửi dự thảo luật lấy ý kiến các bộ, ngành. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ thu thập được các ý kiến đóng góp và hoàn chỉnh các báo cáo đánh giá tác động để tháng 3-2010 kịp trình lên UBTVQH.
"Nếu đã được chuẩn bị kỹ thì nên thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2010). Bởi lẽ việc hợp nhất địa giới hành chính vừa qua tạo ra thách thức lớn cần một cơ chế chính sách đủ mạnh để giải quyết. Việc QH xem xét, thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và tinh thần đối với đất nước và là cơ sở quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới" - ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước và một số ủy viên còn băn khoăn với đề xuất trên. Có ý kiến còn cho rằng, một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô về cơ quan chuyên môn như có cơ quan cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng; có chính sách đãi ngộ về tuyển dụng, sử dụng, chế độ phụ cấp, mức thưởng, mức thù lao đặc thù… đối với cán bộ, viên chức làm việc tại Thủ đô cần phải thảo luận, nghiên cứu, khảo sát kỹ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, tinh thần là xem xét thông qua dự án Luật Thủ đô tại Kỳ họp QH thứ 7 bởi ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng của luật này. Trong trường hợp còn có những ý kiến chưa thống nhất mới lùi đến Kỳ họp QH thứ 8. Quan điểm xây dựng luật là phù hợp Hiến pháp, còn những gì trái pháp luật hiện hành nhưng cần thiết thì vẫn có thể quy định.
Nếu không có gì thay đổi, tại Kỳ họp thứ 7, QH sẽ làm việc trong 35 ngày (khai mạc ngày 20-5 và bế mạc ngày 2-7). Các đại biểu sẽ dành 23 ngày cho xây dựng pháp luật, 7 ngày rưỡi cho kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.