Nếu mặt trời thực sự phóng các hạt bí ẩn xuống trái đất, chúng ta sẽ phải viết lại các cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh.
Ảnh: caltech.edu. |
Discovery cho biết, trong vài năm gần đây các nhà khoa học của Đại học Stanford và Đại học Purdue tại Mỹ nhận thấy một hiện tượng lạ: Tốc độ phân rã của các nguyên tố phóng xạ đang thay đổi. Hiện tượng này lạ vì từ trước tới nay các cuốn sách giáo khoa luôn dạy học sinh phổ thông rằng tốc độ phân rã của nguyên tố phóng xạ là hằng số không đổi.
Lời giải thích của nhóm nghiên cứu có thể khiến nhiều người sửng sốt. Họ cho rằng có thể mặt trời đang phát ra những hạt mà con người chưa từng biết. Chính những hạt bí ẩn đó làm thay đổi tốc độ phân rã phóng xạ.
Nhiều lĩnh vực trong khoa học phụ thuộc vào tốc độ phân rã phóng xạ. Chẳng hạn, để xác định niên đại của đồ cổ, các nhà khảo cổ đo phóng xạ đồng vị carbon (C) 14 trong mẫu vật. Chu kỳ bán rã của C14 là 5.730 năm, nghĩa là cứ sau 5.730 năm thì lượng C14 trong mẫu vật chỉ còn lại một nửa. Sau khi so sánh tỷ lệ C14 trong cổ vật và môi trường xung quanh người ta sẽ xác định được tuổi cổ vật.
Nhưng nếu các nhà khoa học chứng minh được rằng tốc độ phân rã phóng xạ không còn là hằng số bất biến nữa, giới khảo cổ sẽ lúng túng khi xác định tuổi cổ vật.
Theo các nhà khoa học, chỉ có một câu trả lời duy nhất cho sự thay đổi tốc độ phân rã phóng xạ. Trái đất tới gần mặt trời nhất trong năm khi bán cầu bắc trải qua mùa đông. Vậy rất có thể khoảng cách giữa mặt trời và trái đất có làm thay đổi tốc độ phân rã.
Jere Jenkins, một chuyên gia hạt nhân của Đại học Purdue, nhận thấy tốc độ phân rã của nguyên tố Mg 54 giảm ngay trước khi một vụ nổ lớn xuất hiện trên mặt trời. Sau mỗi vụ nổ, vô số hạt mang điện tích từ mặt trời sẽ theo bão từ bay về phía trái đất.
Vậy mặt trời có tác động tới mẫu Mg 54 của Jenkins không? Nếu câu trả lời là “có”, chắc chắn một thứ gì đó từ mặt trời đã tới trái đất và tương tác với mẫu Mg 54.
Trong một thử nghiệm, giáo sư Peter Sturrock của Đại học Stanford nhận thấy cứ sau 33 ngày tốc độ phân rã phóng xạ lại thay đổi một lần. Sturrock cho biết, lõi của mặt trời cũng xoay một vòng trong 33 ngày. Lõi mặt trời là nguồn sản xuất neutrino – hạt sơ cấp không mang điện tích – thông qua các phản ứng hạt nhân.
Nếu các hạt neutrino là thủ phạm khiến tốc độ phân rã phóng xạ thay đổi thì giới khoa học trên trái đất đã hiểu sai về bản chất của hạt neutrino. Từ trước tới nay các cuốn sách giáo khoa luôn khẳng định hạt neutrino có khả năng tương tác rất yếu. Nhưng nếu hạt neutrino không phải thủ phạm thì có thể mặt trời đang phóng xuống địa cầu những hạt mà con người chưa biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.