(HNMO)- Có ý kiến đề nghị không nên để chủ tọa nhắc nhở như hiện nay để nâng cao chất lượng phát biểu, tăng cường tính nghiêm túc của kỳ họp.
Chiều nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của QH ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). |
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) trong sáng 27/10, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, nội quy kỳ họp QH đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của QH nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp QH nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để QH thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.
Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp, chất lượng, hiệu lực các quyết định của QH, Nội quy kỳ họp QH được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, hợp lý, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH tại kỳ họp.
Dự thảo Nội quy về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 3 chương với 54 điều; các điều luật được đặt tên. Trong đó, 24 điều được bổ sung, 29 điều được sửa đổi và 1 điều được kế thừa nguyên văn như quy định hiện hành; đồng thời bỏ một số điều của Nội quy hiện hành vì đã được thu hút vào Luật tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết khác có liên quan hoặc không còn phù hợp với quy định mới về thẩm quyền của QH.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết, các quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, nhiều nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) và cho rằng dự thảo Nghị quyết và Nội quy đã được chuẩn bị công phu, hồ sơ đầy đủ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Về trách nhiệm của đại biểu QH (Điều 5), Ủy ban pháp luật tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu QH tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định của dự thảo Nội quy về trường hợp đại biểu không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt trên 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp QH thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký QH để báo cáo Chủ tịch QH quyết định.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hoạt động của các cơ quan của QH trong thời gian diễn ra kỳ họp QH để chuẩn bị các nội dung của kỳ họp, như chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết của QH là hoạt động chung của QH. Do đó, không thể coi việc đại biểu vắng mặt tại Hội trường để tham gia các cuộc họp do các cơ quan của QH chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo văn bản trình QH là vắng mặt tại phiên họp QH.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể (Điều 16), Ủy ban pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định trong trường hợp thảo luận tại phiên họp toàn thể mà không có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì Chủ tọa phiên họp có thể cho đại biểu kéo dài thời gian phát biểu; trường hợp nội dung phức tạp thì có thể mời đại biểu có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu hoặc mời đại biểu phát biểu lần thứ 3, thứ 4 nếu còn thời gian của phiên họp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định biện pháp thích hợp như ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu phát biểu quá thời gian quy định mà không nên để chủ tọa nhắc nhở như hiện nay để nâng cao chất lượng phát biểu, tăng cường tính nghiêm túc của kỳ họp.
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.