(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác điều trị cai nghiện, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho biết, việc điều trị cai nghiện ma túy theo mô hình đa chức năng tại cơ sở này mang lại nhiều tác dụng. Nơi đây dần trở thành ngôi nhà chung của những người lầm lỡ.
- Trước tiên, ông có thể cho biết Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đang tiến hành điều trị cai nghiện theo những mô hình nào?
- Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (Cơ sở số 7) có chức năng cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm các thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, đơn vị còn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Nói cách khác, Cơ sở số 7 là đơn vị điều trị cai nghiện đa chức năng.
Nhờ áp dụng cùng lúc nhiều mô hình cai nghiện, Cơ sở số 7 dần trở thành ngôi nhà chung của những người từng vướng vào ma túy với hơn 400 học viên được chăm sóc, điều trị thường xuyên. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 450 lượt học viên, vượt kế hoạch đề ra. Sau thời gian điều trị, nhiều học viên nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng.
- Thưa ông, để học viên tích cực điều trị cai nghiện, Cơ sở số 7 đã áp dụng những giải pháp gì?
- Những năm gần đây, số người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, ngày càng trẻ hóa. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy dạng này dẫn đến mất kiểm soát, có những hành vi bất thường. Do đó, trong quá trình cai nghiện, không phải học viên nào cũng hợp tác, nỗ lực điều trị, thậm chí có những trường hợp có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân họ và những người xung quanh.
Để học viên ổn định tâm lý, tích cực điều trị, Cơ sở số 7 hỗ trợ cho họ về nhiều mặt. Sau thời gian tiến hành cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, học viên được chuyển về Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng. Tại đây, học viên được học văn hóa, đồng thời được tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết… Những học viên chưa biết chữ tham gia học chữ, học các phép tính đơn giản. Cơ sở số 7 cũng tạo điều kiện cho học viên lao động trị liệu bằng cách làm nghề mộc dân dụng, hàn, xây dựng, lắp ráp thiết bị điện... Ngoài thời gian làm việc, học viên tham gia các chương trình văn hóa, thể dục, thể thao.
Nhìn chung, ngoài sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở số 7 luôn quan tâm đến học viên từ những việc nhỏ, trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện. Cán bộ cùng học viên chú ý xây dựng cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu. Đó là yếu tố tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cai nghiện. Trong thời điểm có dịch Covid-19, Cơ sở số 7 triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, học viên.
- Việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện.
- Xin ông cho biết, công tác này được Cơ sở số 7 triển khai ra sao?
- Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Dễ nhận thấy là nhiều gia đình không tự giác khai báo tình trạng nghiện của người thân, không đăng ký các hình thức cai nghiện; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế…
Để khắc phục những bất cập này, Cơ sở số 7 được các cơ quan chức năng giao nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Trên tinh thần đó, Cơ sở số 7 đã thành lập Tổ tư vấn cộng đồng, gồm hơn 10 thành viên có kiến thức, chuyên môn vững vàng. Các thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, tìm cách tiếp cận địa bàn, tiếp xúc với người sử dụng, người nghiện ma túy và gia đình họ để tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin, dịch vụ mà Cơ sở số 7 có thể hỗ trợ cho họ. Ngoài ra, Tổ tư vấn cộng đồng cùng các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức những buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề về ma túy, tác hại của ma túy, cách thức nhận biết các loại ma túy mới cho học sinh, sinh viên, thanh niên, giúp giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động tránh xa ma túy.
Việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện ma túy và gia đình họ tại cộng đồng bước đầu mang lại kết quả khả quan. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Cơ sở số 7 tiếp nhận khoảng 50-60 học viên vào điều trị cai nghiện tự nguyện thông qua hoạt động tư vấn, kết nối với cộng đồng. Bắt đầu từ tháng 8-2020, Cơ sở số 7 còn tiếp nhận học viên chuyển gửi từ mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
- Từ kinh nghiệm thực tế, ông có mong muốn gì từ các bên liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy?
- Tôi mong muốn các cơ quan, đơn vị chức năng sớm hoàn thiện, ban hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; khuyến khích người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiến hành cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện. Các địa phương mở rộng, phát triển, nhân rộng mô hình điểm tư vấn tại cộng đồng, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác điều trị nghiện ma túy. Người sau cai nghiện tái nghiện nhiều lần nên đến các cơ sở điều trị cai nghiện tập trung để nhận được các dịch vụ hỗ trợ phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.