Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở bảo vệ quyền lợi của phụ nữ khi xảy ra tranh chấp

Linh Chi| 10/03/2015 06:28

(HNM) - Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013 quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên (bảo đảm quyền sử dụng) của cả vợ và chồng.

Nhưng nhiều chị em không hiểu và chưa thực hiện nên không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dẫn đến mất đi quyền quyết định những việc quan trọng trong gia đình. Đáng ngại hơn, khi ly hôn, nhiều chị đã bị tước đoạt công sức đóng góp hàng chục năm, phải tay trắng ra khỏi nhà.

Chị Trần Thị Sự (55 tuổi, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) nhiều năm phải sống lang thang vì bị chồng đuổi ra khỏi căn nhà do chính chị đứng tên xin đất giãn dân, gây dựng lên. Khi cuộc sống gia đình còn êm ấm, chị chỉ lo làm kinh tế, nuôi con, không nghĩ đến việc làm sổ đỏ. Sau khi sinh 3 con gái, chồng chị trở nên vũ phu, ngày nào cũng đánh đập vợ, có lần chị bị gãy xương sườn phải đi viện. Giờ 3 con đã lấy chồng, chị chỉ muốn ly hôn, chia đôi nhà đất, tìm nơi trú ngụ yên thân nhưng chồng chị không đồng ý, đòi giữ đất "hương hỏa", đuổi chị đi. Vì chưa làm sổ đỏ, chị Sự gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục năm phải lang thang trốn chạy chồng. Khi đến trú ngụ ở Ngôi nhà Bình Yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam), được giải thích, tư vấn về pháp lý, chị tiếc rằng đã không làm ngay sổ đỏ mang tên mình từ khi được cấp đất, dựng nhà. Như thế, quyền lợi của bản thân và các con chị không bị vi phạm như bây giờ.

Hoàn cảnh của chị N.T.H. (sinh năm 1976, ở phường Trung Tự, quận Đống Đa) còn bi đát hơn. Vợ chồng chị mua một mảnh đất ở phường Trung Tự, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ chồng vì anh chị khi đó đang ở Phú Thọ, chưa có hộ khẩu Hà Nội. Sau này vợ chồng chị về Hà Nội ở cũng không làm lại sổ đỏ. Để các con yên tâm, bố chồng chị viết tay một văn bản với nội dung "cho" con trai đầu của anh chị mảnh đất này (bao gồm nhà ở). Khi bố chồng chết, chị tin cậy đưa văn bản này cho người anh trai thứ ba của chồng mà không làm bản sao. Bị chồng (làm nghề xe ôm) bạo hành nhiều lần, chị không thể chung sống. Khi ly hôn, mẹ chồng và gia đình chồng lật lọng, chị cùng 3 con trai đang có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà vì không chứng minh được quyền sở hữu nhà và đất…

Sổ đỏ hai tên không chỉ quan trọng với các gia đình "cơm không lành, canh không ngọt"; nhiều phụ nữ có cuộc sống bình thường cũng rất muốn sửa đổi sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai. Gia đình chị Trần Thị Mỹ ở huyện Sóc Sơn có 4 sào đất có sổ đỏ mang tên chồng. Chị rất muốn chuyển sổ đỏ một tên sang hai tên (có cả tên vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng không dám nói với chồng. Chị sợ chồng, gia đình chồng và họ hàng cho rằng chắc có xích mích gì lớn mới giành quyền về đất đai. Chồng chị vốn gia trưởng, thường quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình mà không hề hỏi ý kiến của chị. Nếu có tên trong sổ đỏ, chị sẽ được bình đẳng với chồng, được bàn bạc công việc trong gia đình và quyết định các vấn đề liên quan đến tài sản hoặc tự quyết định vay vốn làm ăn. Khi đó, các con chị cũng tôn trọng mẹ hơn, việc kinh doanh thuận lợi hơn. Sau này, chị có quyền tự do cho, tặng thừa kế cho con…

Theo các chuyên gia, những hoàn cảnh trên tương đối phổ biến trong số chị em đến xin tư vấn về pháp luật, hôn nhân - gia đình. Dù rất dũng cảm và trải qua một đoạn đường khá dài đến Trung tâm Hỗ trợ - tư vấn pháp luật (của LHPN TP Hà Nội) hoặc Ngôi nhà Bình Yên, nhưng khi gặp chuyên gia tư vấn, các chị đều rất dè dặt, nêu họ tên giả, địa chỉ không rõ ràng. Điều này thể hiện nhận thức chưa đầy đủ về quyền lợi của mình. Sau khi được tư vấn, số phụ nữ thực hiện chuyển sổ đỏ một tên sang hai tên cũng không nhiều. Chuyên gia tư vấn của Ngôi nhà Bình Yên Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, vì không có tên trong sổ đỏ, nhiều phụ nữ đã không thể quyết định ly hôn, dù bị chồng hành hạ dã man. Họ phải chấp nhận cuộc sống như địa ngục vì sợ khi ly hôn phải ra đi tay trắng, ảnh hưởng đến quyền lợi của con cháu. Nếu có tên trong sổ đỏ, các chị sẽ có nhiều lựa chọn cho tương lai, chủ động hơn trong công việc...

Theo GS.TSKH Nguyễn Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc ghi cả tên vợ và chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của cả vợ và chồng đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Công dân có quyền đề nghị cấp mới hoặc sửa đổi sổ đỏ sao cho có đủ cả tên vợ và chồng. Trình tự, thủ tục về cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể trong hệ thống thủ tục hành chính về đất đai, được công khai trên mạng internet cũng như tại các văn phòng đăng ký đất đai và trụ sở UBND cấp xã.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng là một tiến bộ trong công nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Đây cũng là phương tiện bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các tranh chấp liên quan tới đất đai, làm tăng quyền năng, vai trò cũng như vị thế và giúp phụ nữ tự chủ hơn trong các quyết định lớn của cuộc đời. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn nữa đến từng người phụ nữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở bảo vệ quyền lợi của phụ nữ khi xảy ra tranh chấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.