Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phong - làn gió mới cho âm nhạc Việt

Thái Hòa| 21/05/2022 18:58

(HNMCT) - Trước sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của văn hóa ngoại quốc vào đời sống trong nước, nhất là với giới trẻ, thì sự xuất hiện của nhạc cổ phong Việt Nam trong thời gian gần đây như làn gió mang đậm bản sắc dân tộc thổi vào đời sống âm nhạc nước ta.

Cảnh trong MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" của ca sĩ Hòa Minzy.

Nhận diện nhạc cổ phong

Cổ phong, hiểu đơn giản là những nét văn hóa, tinh hoa cổ xưa. Phong trào cổ phong bắt đầu xuất hiện trong giới trẻ ở Việt Nam từ khá lâu và dần sôi động trong vài năm qua ở nhiều lĩnh vực, từ phong tục tập quán, chữ viết, trang phục, âm nhạc...

Theo đạo diễn phim cổ trang “Phượng khấu” Huỳnh Tuấn Anh, nhạc cổ phong có thể hiểu nôm na là dòng nhạc đậm nét văn hóa dân tộc với những bản nhạc, ca khúc mang màu sắc cổ xưa, ca từ tao nhã, được trau chuốt, hình ảnh ước lệ dựa trên điển tích, điển cố, cách dùng từ đều đặn, có trật tự, có vần, nhịp như bài thơ cổ; nhạc mang âm điệu của âm nhạc dân tộc đặc trưng. Để phân biệt nhạc cổ phong giữa các nước thì thường dựa vào 3 yếu tố giai điệu đặc trưng mỗi nước, câu chuyện riêng của dân tộc và phong cách kết hợp giữa âm nhạc đương đại với truyền thống.

Nhạc cổ phong Việt Nam, theo đó, phải mang giai điệu, âm hưởng, chất liệu của âm nhạc dân tộc Việt Nam như ca trù, chèo, cải lương, tuồng, hát xoan, xẩm..., có thể kết hợp với các dòng nhạc hiện đại phổ biến như pop, rock, rap. Nó khác với nhạc dân gian đương đại hoặc âm hưởng dân ca như ta đã có; lời giàu tính văn học, có dáng dấp câu chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ngoài yêu cầu về phương pháp sáng tác, cổ phong đòi hỏi người sáng tác không đơn giản là lấy vài nhân vật, câu chuyện tình rồi thả vào vài chi tiết miêu tả, như thế sẽ thành địa chí ca, danh nhân ca.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Nhạc cổ phong yêu cầu tuân thủ nguyên tắc để không được làm mất, làm méo mó âm nhạc gốc; phải tôn vinh được giá trị của âm nhạc dân tộc. Muốn vậy, người sáng tác phải am hiểu âm nhạc truyền thống và sáng tạo trên nền tảng ấy”. Hơn thế, người sáng tác phải am hiểu sâu sắc về văn hóa và lịch sử của dân tộc để thấy được những ẩn ý hay đẹp, lớp lang sau mỗi câu chuyện. Cũng phải biết văn hóa, lịch sử nước khác để ca khúc không bị na ná như của họ. Và người hát cũng vậy, phải mang được tâm thế của người trẻ, hiểu và biết cách hát để chuyên chở văn hóa, kể câu chuyện lịch sử một cách dễ nghe, gần gũi.

Lối đi mới trong âm nhạc

Khi các dòng nhạc hiện đại trong nước dần trở nên bão hòa, nhiều người Việt trẻ bắt đầu quan tâm, tìm tòi tác phẩm cổ phong thuần Việt. Và gần đây đã có một số tác phẩm gây ấn tượng như: MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy được đầu tư chỉn chu, ấn tượng, kể câu chuyện về tình yêu đẫm nước mắt của Nam Phương hoàng hậu dành cho vua Bảo Đại; ca sĩ Thu Phương với những ca khúc trong dự án phim tài liệu ca nhạc về Nam Phương hoàng hậu “Theo dấu vàng son”. Theo ông Nguyễn Thụy Kha, đó là dấu hiệu đáng mừng khi giới trẻ ngày nay tìm được lối đi mới lạ trong âm nhạc, và điều đó cần được khuyến khích.

Nói về nhạc cổ phong Việt, cần phải kể đến những bản nhạc trong bộ phim cổ trang “Phượng khấu” - được đánh giá là thỏa mãn cả yêu cầu về nhạc, lời và cách thể hiện. Các ca khúc trong phim chủ yếu dựa trên nền nhạc ngũ cung, nhã nhạc, dân ca, tuồng..., nội dung là những câu chuyện bối cảnh thời nhà Nguyễn như: Điển tích về chim dương nga, chuyện thời vua Tự Đức (bài "Dương Nga"), chuyện về vua Khải Định (bài "Trà"), câu chuyện thời vua Thiệu Trị (các bài "Ngô đồng", "Hằng thương", "Phượng khấu")... Nhiều ca khúc khác trong phim sau đó cũng được các ca sĩ thể hiện lại thành công.

Nhạc cổ phong Việt tuy chưa phong phú và phát triển mạnh như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, Ấn Độ nhưng đã tạo được hiệu ứng tích cực, có nhiều triển vọng. Bởi nó không chỉ dừng lại ở một dòng nhạc để giải trí mà qua đó, giới trẻ hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc; những câu chuyện trong ca khúc hấp dẫn các bạn tìm hiểu về cội nguồn lịch sử đất nước, từ đó thêm yêu, củng cố lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hơn nữa, đi kèm nhạc cổ phong là trang phục cổ, bối cảnh, kiến trúc cổ..., đó là giá trị kép mà các sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng có thể mang tới cho khán giả.

MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” ra mắt chưa đầy 24 giờ đã đạt 3 triệu lượt xem. Ngay sau đó, bối cảnh ở Đại Nội Huế xuất hiện trong MV được nhiều bạn trẻ tìm hiểu, đến tham quan, chụp hình. Trang phục đẹp mắt, ấn tượng cũng thu hút sự quan tâm bàn luận của khán giả trên các diễn đàn, và rõ ràng là trong thời gian gần đây, xu hướng mặc, chụp ảnh với cổ phục được nhiều bạn trẻ yêu thích, thậm chí dùng làm trang phục cưới... Đạo diễn MV, Kawaii Tuấn Anh đã chia sẻ mong muốn mang lại trải nghiệm giải trí mới cho khán giả, thúc đẩy họ tìm hiểu thông tin liên quan, có thêm kiến thức...

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện cùng những giá trị sâu sắc của nhạc cổ phong như làn gió mới làm giàu thêm cho âm nhạc Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ phong - làn gió mới cho âm nhạc Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.