(HNMO) - Mặc dù cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế nhưng VN-Index vẫn hiện sắc đỏ bởi nhiều mã có mức vốn hóa lớn xuống giá.
Trên sàn TP Hồ Chí Minh, phiên ngày 25-9, nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá như BVH, VNM, MSN, MWG, HPG, FPT, VCB. Đặc biệt, trong nhóm này có sự góp mặt của 2 mã lớn nhất nhì thị trường là VIC và VHM.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm có mức vốn hóa lớn và thường ảnh hưởng nhiều đến thị trường, phần lớn xuống giá ở phiên hôm nay như: CTG, HDB, MBB, TCB, TPB, VCB, VPB.
Phía ngược lại, một số mã trụ cột khác như SAB, GAS, BID, ROS, VRE lên giá nhưng cũng không thể giúp nhiều cho thị trường.
Trên toàn sàn, số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế. Thị trường ghi nhận 162 mã đi lên, 118 mã đi xuống. Mặc dù cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế nhưng VN-Index không thể hiện sắc xanh bởi lực cung tại nhóm cổ phiếu lớn là khá mạnh.
Mở cửa phiên, lực bán chốt lời gia tăng khiến chỉ số chung đi xuống. Tuy nhiên, sau đó dòng tiền vào thị trường khá tốt với lực cầu lan tỏa sang cổ phiếu các ngành, nhờ đó VN-Index nhanh chóng tăng trở lại. Hết phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 2,32 điểm (0,23%) lên 1.013,61 điểm.
Sang phiên buổi chiều, lực bán ra xuất hiện nhiều tại nhóm cổ phiếu lớn nên VN-Index không thể hiện sắc xanh. Đóng cửa thị trường, VN-Index hạ 0,55 điểm (-0,05%) xuống 1.010,74 điểm; VN30-Index còn 985,11 điểm sau khi giảm 0,48 điểm.
Giao dịch vẫn ở mức khá với trên 231 triệu cổ phiếu và gần 5.000 tỷ đồng được sang tay. FLC là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 20 triệu cổ phiếu được sang tay; tiếp đến là ASM (gần 7,4 triệu cổ phiếu), IDI (6,5 triệu cổ phiếu). Phiên này, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không nhiều. Họ mua 222,10 tỷ đồng và bán 202,78 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, với sự xuống giá của nhiều mã lớn như SHB, BVS, ACB, PVI, VN-Index giảm 0,07 điểm xuống 115,52 điểm. Toàn sàn có gần 66 triệu cổ phiếu và trên 850 tỷ đồng được sang tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.