(HNM) - Vì sao tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) còn thấp? Giải pháp nào để thoái vốn và CPH hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, DN khi để việc CPH, thoái vốn nhà nước chậm trễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sắp xếp, đổi mới DNNN chưa đạt kế hoạch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các ý kiến cần tập trung vào thảo luận và trả lời vì sao tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN và CPH còn thấp? Giải pháp nào để thoái vốn và CPH tốt nhất trong thời gian tới? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, xác định rõ DNNN cần thoái vốn, không cần nắm cổ phần chi phối; cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn đã ban hành có còn phù hợp...
Theo Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN Lê Mạnh Hà, việc sắp xếp, đổi mới DNNN ở nhiều bộ, địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa đạt kế hoạch đã phê duyệt. Cụ thể, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại DNNN mới chỉ diễn ra ở 5 lĩnh vực (chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, bất động sản), đạt 42%. Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, DNNN nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. DNNN không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải CPH, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường. Qua đó, phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực đất đai, tài nguyên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ DN tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Với kinh nghiệm của một DNNN đã thực hiện thành công quá trình CPH, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Trần Quang Nghị cho rằng, tiến độ CPH nhanh, chậm phụ thuộc vào chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo. Sở dĩ chậm là do tâm lý người đứng đầu muốn làm "ông chủ giả", giữ phần vốn nhà nước, khỏe hơn "ông chủ thật" phải bỏ vốn kinh doanh. Vì vậy, nếu không có những quy định chặt chẽ, người đứng đầu không có trách nhiệm, thì không thể đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN. Ông Trần Quang Nghị cũng chia sẻ khi tiến hành CPH các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu CPH công ty mẹ trước, công ty con sau tiến độ sẽ nhanh hơn... Tuy nhiên, phải xác định rõ các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, không đầu tư "lướt sóng", có vậy DN sau CPH mới phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Nguyễn Đức Chi kiến nghị, để CPH thành công, cần bán lượng cổ phần đủ lớn để thu hút cổ đông chiến lược, qua đó có thể thay đổi cơ cấu quản trị của DN; sau khi hoàn tất CPH, DN cần nhanh chóng niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, với những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, thì nên CPH 100% vốn để các DN này được tự chủ và nâng cao hiệu quả trong hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ sớm sửa đổi, ban hành một số quy định, tiêu chí phân loại DNNN; có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi khi CPH...
Hapro đã áp dụng các giải pháp tích cực mang lại hiệu quả cao trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Ảnh: Thái Hiền |
Xử lý người đứng đầu nếu thực thi chậm trễ, gây thất thoát
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn... đã trả lời, giải đáp các kiến nghị của người đứng đầu các địa phương, tập đoàn, tổng công ty. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, kiến nghị về việc sửa đổi các nghị định của Chính phủ liên quan đến Đề án thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, danh mục DN CPH... đã được các cơ quan Nhà nước sửa đổi và hiện đang trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 12 để bảo đảm tiến độ thực hiện. Ngoài ra, với vấn đề định giá tài sản thì DNNN nên tổ chức đấu giá công khai trên thị trường và đó là cách làm minh bạch công khai nhất.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm, CPH DNNN nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả hơn. Việc tái cơ cấu DNNN cũng là để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó sẽ giảm bớt vai trò nhà nước giữ vốn ở những ngành nghề không quan trọng để huy động đầu tư của xã hội, tư nhân và là một cách để giảm áp lực về nợ công.
Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Thứ nhất, chuẩn bị cho quá trình CPH, trong đó, phải xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực rút vốn theo tỷ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể. Thứ hai, quá trình CPH cần chọn tư vấn uy tín, có trình độ, lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản, chống lại lợi ích nhóm trong thực hiện CPH để đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Thứ ba, sau CPH cần chú trọng áp dụng mô hình quản trị tiên tiến trong hoạt động, gắn cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm với hiệu quả sản xuất kinh doanh... Thủ tướng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, địa phương, DN trong thực hiện CPH, với phương châm "bộ nào, địa phương nào, DN nào làm chậm, làm thất thoát tài sản thì phải xử lý, cá nhân nào không làm thì phải thay đổi" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
* Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 DN (về số lượng DN đạt 96% kế hoạch); trong đó: CPH 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN, phá sản 8 DN, bán - giao 10 DN, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN. * Với kết quả sắp xếp 5 năm qua, tổng số DNNN đã sắp xếp từ trước tới nay là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN. Nếu tính thêm 60 DNNN sắp xếp trong 10 tháng qua, trong đó cổ phần hóa là 48 DN, thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010, trong đó cổ phần hóa 4.508 DN. Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.