(HNM) - Gần 38 năm tham gia công tác nuôi dạy trẻ, chị Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt - Triều luôn tâm huyết với nghề, không ngừng tìm tòi những phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trẻ từ 0 đến 6 tuổi là tuổi "vàng" nên bên cạnh việc mang lại cho trẻ tình yêu thương, thì việc coi trọng chế độ dinh dưỡng để phát triển thể lực đồng thời phát huy tính sáng tạo, sự tự tin cho các bé là vô cùng quan trọng. Để duy trì được điều đó ở Trường mẫu giáo Việt - Triều suốt hơn 30 năm, chị đã dày công tuyển, xây dựng, bồi dưỡng được một đội ngũ hơn 50 giáo viên luôn hết lòng với trẻ. Và để các cháu được chăm sóc một cách tốt nhất, từ gần chục năm trước, khi công nghệ thông tin (CNTT) mới lác đác có trong vài trường tiểu học thì chị đã có suy nghĩ "Trường tiểu học ứng dụng được thì mầm non cũng ứng dụng được". Chị cho rằng "Bản thân trẻ con rất giỏi, lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi tiếp thu rất nhanh, nếu cô không giỏi thì sẽ rất thiệt thòi cho các cháu". Từ đó, chị lần lượt cử giáo viên đi học về CNTT, ngoại ngữ; đồng thời, để một giáo viên giỏi về CNTT thường xuyên kèm các giáo viên khác ngay tại trường. Bên cạnh đó, chị đặt hàng xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe của các cháu; phần mềm quản lý nhân sự, học sinh; phần mềm quản lý thu chi; phần mềm soạn giảng của giáo viên; phần mềm tính khẩu phần ăn cho trẻ…
Với phần mềm quản lý sức khỏe, tất cả danh sách các bé đều được nhập vào hệ thống, định kỳ 2 tháng/lần các bé được cân, đo và 2 năm/lần các bé được các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Việt Nam - Cuba khám, phân loại sức khỏe, phân loại chỉ số bệnh tật. Kết quả các lần khám sẽ là cơ sở dữ liệu để nhà trường phối hợp với phụ huynh cùng theo dõi suốt quá trình học. Nhờ theo dõi một cách hệ thống như vậy, trường đã giúp gia đình phát hiện và kịp thời chữa trị cho nhiều cháu bị tự kỷ, bị tim bẩm sinh, bị thấp còi, béo phì hay viêm phổi cấp… Phần mềm tính khẩu phần ăn cho trẻ cung cấp các dữ liệu về chế độ dinh dưỡng. Từ đó, thực đơn cho từng tuần đều được tính tỷ lệ dinh dưỡng thật cân đối theo tiêu chuẩn của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Hiệu quả của cách cân đối dinh dưỡng khoa học này cũng là một trong những yếu tố để suốt hơn 30 năm, Trường mẫu giáo Việt - Triều không có trường hợp ngộ độc, chưa bao giờ "dính" dịch, ngay cả khi cộng đồng đang có nhiều bệnh truyền nhiễm lây lan. Cùng với việc ứng dụng CNTT để theo dõi sức khỏe, cô giáo Hoàng Thị Thanh còn đưa CNTT vào giảng dạy. Các giáo viên của trường đều phải làm giáo án điện tử bằng hình động để kích thích trí tưởng tượng sáng tạo, ham hiểu biết của trẻ. Sáng kiến này đã được ngành giáo dục Thủ đô đánh giá cao và đưa vào ứng dụng tại các trường mầm non trong TP. Hiện cô giáo Hoàng Thị Thanh đang lập kế hoạch xây dựng một phòng máy tính để các cháu được thực hành ngay tại trường.
Chị Thanh chia sẻ: "Việc tiếp cận với CNTT là điều không thể thiếu trong xu thế hiện nay, nếu biết cách khai thác, CNTT sẽ là phương tiện để hình thành nhân cách cho các cháu. Khi mình chăm sóc, nuôi dạy một cách khoa học, cẩn thận, chu đáo thì sẽ được "sản phẩm" tốt. Và mong muốn của mình là "sản phẩm" đó về sau sẽ trở thành công dân giỏi của Hà Nội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.