(HNM)- Trong hội nghị về an toàn giao thông (ATGT) được tổ chức tại Hà Nội năm 2010, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu kinh nghiệm tách làn riêng cho xe hai bánh. Một số cơ quan chức năng xem đây là kinh nghiệm hay, đáng để các địa phương khác tham khảo. Quả thật, giải pháp này đem lại kết quả rất khả quan, nhưng việc thực hiện tại các tuyến phố trung tâm lại không đơn giản.
Tách làn: giảm tai nạn
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, xe hai bánh chiếm khoảng 90% số phương tiện lưu thông trên đường phố. Loại phương tiện này liên quan đến nhiều vụ TNGT (70%), nhất là trên một số quốc lộ, đường trục chính qua thành phố. Để hạn chế tình trạng trên, những năm qua, Sở GTVT đã tổ chức thực hiện phương án tách làn riêng cho xe hai bánh trên 19 tuyến đường có mật độ giao thông cao và đã đạt hiệu quả rõ nét. Cụ thể, năm 2004, Sở tiếp nhận quản lý quốc lộ 22 đoạn qua TP Hồ Chí Minh. Thống kê giai đoạn từ năm 2000 đến 2004 (khi chưa tách làn) cho thấy, đây là một trong những tuyến có số vụ tai nạn cao nhất thành phố, trung bình 126 vụ/năm. Ngay khi tiếp nhận, Sở đã đầu tư xây dựng dải phân cách tách làn xe hai bánh. Nhờ đó, số vụ tai nạn trên đoạn này giảm rõ rệt. Từ năm 2005 đến 2010 (đã tách làn) chỉ xảy ra 193 vụ, trung bình mỗi năm 32 vụ (giảm 94 vụ/năm so với trước khi tách làn). Tại đường Trường Chinh - đường nối khu vực trung tâm TP với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh trước đây chỉ rộng từ 12m đến 14m, dòng phương tiện đi lại hỗn hợp nên TNGT xảy ra trung bình 10 vụ/năm và có xu hướng tăng. Sau khi đầu tư nâng cấp, mở rộng, năm 2005, tuyến đường này được đưa vào sử dụng với bề rộng 60m, gồm 10 làn xe, trong đó có 2 làn dành riêng cho xe hai bánh. Số vụ TNGT giảm ngay, chỉ còn 3 vụ/năm.
Nên chọn tuyến phù hợp
Đại diện nhiều cơ quan chức năng đánh giá cao giải pháp của TP Hồ Chí Minh và kiến nghị các địa phương học tập. Tuy nhiên, với Hà Nội, tách làn phương tiện là giải pháp không mới, đã được thực hiện thí điểm trên một số tuyến phố trung tâm và chưa đạt kết quả như mong muốn.
Người dân Thủ đô còn nhớ việc tách làn phương tiện đã được thực hiện trên tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt vào năm 2007, trước đó là tuyến Kim Mã. Trong giai đoạn đầu, lực lượng chức năng "rải" quân trên phố thì tình hình tương đối khả quan, nhưng khi họ rút đi, tình hình giao thông lộn xộn trở lại. Có nhiều lý do khiến việc thử nghiệm thất bại, như ý thức người tham gia giao thông hạn chế, lưu lượng phương tiện cao… nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước khi tổ chức thí điểm phân làn, các cơ quan chức năng Hà Nội đã lựa chọn những tuyến phố thuộc diện rộng nhất. Rộng, nhưng vẫn chưa đủ để lập dải phân cách tách riêng làn cho phương tiện. Thêm vào đó, đây đều là những tuyến có nhiều điểm giao cắt, việc dựng dải phân cách dễ làm nảy sinh vấn đề khác.
Trở lại hai tuyến đường tách làn hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh, trước khi tách làn, Sở GTVT đã đầu tư xây dựng dải phân cách bê tông hoặc đầu tư nâng cấp, mở rộng. Thêm vào đó, đây đều là những trục đường xuyên tâm, kết nối với các tỉnh lân cận. Như vậy, đặc thù tách làn trên các tuyến phố thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất khác nhau. Các tuyến tại Hà Nội được thí điểm tách làn đều là trục quan trọng nằm giữa trung tâm thành phố; khi tách làn không được đầu tư mở rộng, nâng cấp hay dựng dải phân cách. Nếu đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến này, có lẽ Hà Nội sẽ là thành phố của "những con đường đắt nhất hành tinh". Một vấn đề nữa là giao thông nội đô khác hẳn so với ở các tuyến quốc lộ xuyên tâm. Mỗi tháng, Hà Nội có thêm 10.000-15.000 phương tiện mới được đưa vào sử dụng, trong đó có 3.000-5.000 ô tô. Cách đây 3 năm, khi lượng phương tiện thấp hơn, việc tách làn đã khó, nay còn khó hơn, nhất là khi không có điều kiện để mở rộng, nâng cấp các tuyến phố.
Như vậy, nếu có học tập kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, xem ra chỉ có thể áp dụng trên các trục xuyên tâm, hoặc đoạn tuyến quốc lộ đi qua thành phố… Vì thế, Sở GTVT Hà Nội và các ngành chức năng nên nghiên cứu, lựa chọn một vài tuyến phù hợp để đầu tư đồng bộ, thí điểm tổ chức tách làn, qua đó đúc rút kinh nghiệm để từng bước triển khai ở các tuyến khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.