Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn?

Minh Hải| 30/08/2012 15:17

Khi trẻ bị sốt, đặc biệt là những trẻ chưa biết uống thuốc, trẻ sợ thuốc thì các bậc phụ huynh thường mua thuốc đặt hậu môn. Tuy nhiên, bạn không nên làm dụng loại thuốc này.


Khi nào nên hạ sốt cho trẻ

Khi bị bệnh, trẻ thường kèm theo sốt. Nhiều phụ huynh quá lo lắng nên không hạ sốt cho con mà đưa ngay đến bệnh viện có thể khiến trẻ bị co giật ngay trên đường đi. Ngược lại, có những phụ huynh thấy trẻ hơi ấm đầu đã cho dùng hạ sốt... Vậy khi nào nên cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt?

Theo các bác sĩ, thân nhiệt ở trẻ em không cố định mà có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khoảng thân nhiệt bình thường của trẻ từ 36,5 - 37,5độC. Khi thân nhiệt trên 37,5độ C là trẻ có biểu hiện sốt và sốt cao khi nhiệt độ trên 38,5độ C.

Sốt là một hiện tượng có lợi vì khi sốt thì nhiệt độ cơ thể tăng, sức đề kháng của cơ thể cũng tăng giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Do đó chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao từ 38,5độC trở lên.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, một số trường hợp cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm hơn như co giật ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi hay trẻ có tiền căn động kinh, có anh (em) trước đây đã bị sốt cao co giật.

Có nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn?

Bác sĩ Nguyễn Thi Thu Hà cho biết, thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng sau 15 - 30 phút sau khi uống. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng mà cho trẻ uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ. Việc làm này sẽ gây quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe và không an toàn cho trẻ.

Do vậy, trong lúc đợi thuốc có tác dụng, phụ huynh có thể lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng khi trẻ em không uống được thuốc. Khi trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn.

Khi trẻ bị sốt, cũng không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn mà nên cho uống thuốc, bởi lạm dụng thuốc đặt hậu môn có thể gây viêm trực tràng. Dùng thuốc đặt hậu môn có nguy cơ gây kích thích tại chỗ, tùy thuộc vào thời gian dùng, thời điểm đặt thuốc và liều dùng, do đó thời gian dùng càng ngắn càng tốt, nên thay thế sớm bằng thuốc uống.

Không dùng thuốc hạ sốt đặc hậu môn khi trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.

Để tránh ngộ độc do quá liều, phụ huynh nên nhớ rằng liều hạ sốt của paracetamol được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 đến 15 mg cho mỗi kg cân nặng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần từ 4 đến 6 giờ nếu trẻ bị sốt. Một ngày không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.