Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một trái tim yêu gốm...

An Tâm| 27/09/2016 05:56

(HNM) - Nghệ nhân nhân dân Trần Độ (thôn 3, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) được những người làm nghề đánh giá là đã dành tâm huyết trọn đời cho nghề gốm quê hương. Với bàn tay tài hoa, một sức sáng tạo bền bỉ và tấm lòng luôn hướng về cội nguồn, ông đã tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo, phục dựng và

Nhiều tác phẩm của nghệ nhân Trần Độ đã vượt biên giới quốc gia mang theo giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến với các nước… Với những đóng góp cho nghệ thuật gốm sứ, nghệ nhân Trần Độ là một trong 9 cá nhân vừa được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016.

Nghệ nhân Trần Độ bên những sản phẩm gốm do chính tay ông phục dựng và sáng tạo.



Đất hóa vàng

Làng gốm Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, nép mình ở một góc riêng để lặng lẽ chiêm nghiệm những đổi thay của Thủ đô và lưu giữ một phần những giá trị bất biến của lịch sử Thăng Long. Các bậc cao niên ở Bát Tràng kể rằng, năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, rất nhiều thợ giỏi ở đất Yên Mô, Ninh Bình đã theo vua về đây lập nghiệp, lập nên làng Bát Tràng ngày nay. Tuy nằm xa nội đô nhưng đây lại là vùng đất được ban tặng thứ đất sét trắng hiếm có. Qua những bàn tay nhào nặn tài hoa của người Bát Tràng, thứ đất ấy có thể tạo ra những sản phẩm gốm tinh túy, lưu giữ hồn cốt của dân tộc. Và chẳng ở đâu, người ta sống nhờ đất nhiều như ở ngôi làng này, với họ đất đã hóa vàng. Cùng với thời gian trôi qua, làng Bát Tràng đã trở thành địa danh nổi tiếng, nơi người dân cả đời sống dựa vào nghề tổ của cha ông.

Nghệ nhân Trần Độ năm nay 60 tuổi nhưng đã có tới gần 50 năm tuổi nghề. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dành làm quà tặng nguyên thủ quốc gia các nước, nhiều sản phẩm được trưng bày tại đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc...

Có duyên với nghề gốm từ khi còn rất nhỏ, năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu say men gốm, cả ngày ngồi lỳ, tỉ mẩn học nghề từ gia đình. Thuở đó, cái tên gốm Bát Tràng đã nức tiếng gần xa, những tinh túy trong nghề, ông cha đều nắm giữ, cậu bé Trần Độ vừa mày mò tự học, vừa nghe các cụ uống trà, đàm đạo về gốm. Tay làm, tai lắng nghe. Kiên trì lao động và học hỏi, đôi bàn tay người thợ đã trở nên mềm mại, đôi tai lĩnh hội tất cả kinh nghiệm từ những người đi trước. Vì vậy, đến tuổi trưởng thành, Trần Độ đã trở thành một thanh niên giỏi nghề trong làng.

Nghệ nhân nhân dân Trần Độ là đời thứ 18 trong dòng họ Trần ở Bát Tràng gắn bó với nghề làm gốm. Ông bảo: “Các sản phẩm gốm của quê hương chúng tôi đã có thương hiệu từ đời các cụ. Đấy là điều quý báu nhất ông cha đã để lại cho con cháu chúng tôi sau này. Ở Bát Tràng, cục đất không đơn thuần là cục đất, nó chính là vàng, là miếng cơm, manh áo giúp người Bát Tràng vui sống và giữ gìn những giá trị truyền thống của quê hương mình”. Khi tay nghề đã giỏi, tình yêu với gốm đã đủ lớn, Trần Độ lại nuôi giấc mơ nâng tầm hơn nữa thương hiệu quê hương, tiếp nối những giá trị tinh thần cao quý ông cha để lại. Ông khác những người làm gốm ở Bát Tràng là bởi niềm mong ước ấy. Thay vì đánh vật với gánh nặng cơm áo, gạo tiền, cố gắng tạo ra thật nhiều sản phẩm gốm, mua nhà, tậu xe, Trần Độ cứ chạy theo những đam mê rất riêng của mình. “Tôi muốn tạo ra một dòng gốm riêng, độc đáo trên nền truyền thống chứ không chạy theo số đông. Tôi muốn tạo sự khác biệt và biến gốm sứ Bát Tràng trở thành một thương hiệu ai nghe cũng phải nhớ, ai nhìn cũng sẽ nhận ra và gốm Bát Tràng không chỉ được yêu thích ở Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng mến mộ”.

Và mặc kệ những đổi thay của thời đại, mặc kệ những giá trị mới đang chiếm lĩnh, Nghệ nhân nhân dân Trần Độ lội ngược dòng, tìm về với những giá trị từ thuở nguyên sơ.

Đi tìm quá khứ

Ở làng gốm Bát Tràng có nhiều nghệ nhân giỏi nghề, mỗi người chọn cho mình một hướng đi. Tuy nhiên, ít ai hoài cổ, coi trọng những giá trị tâm linh và truyền thống như Trần Độ. Với ông, phục chế những hình khối, màu men cổ đã trở thành niềm đam mê từ trong tiềm thức. Tất cả những men màu ông sáng tạo nên đều được hình thành trong chập chờn mơ tỉnh, trong những mộng mị vì đam mê và phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Suốt nhiều năm liền, người nghệ nhân say gốm đã mày mò phục dựng lại những hiện vật của các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê. Sản phẩm nào được cho là biểu tượng văn hóa của lịch sử dân tộc đều được ông sưu tầm, lượm nhặt, nghiên cứu và phục dựng thành công.

Để có được những sản phẩm mô phỏng tinh túy một thời, Trần Độ ngày đêm nghiên cứu sách vở, đi khắp các bảo tàng trong Nam, ngoài Bắc để được tận mắt, tận tay chiêm ngưỡng, cảm nhận về hiện vật. Đi đâu ông cũng giãi bày mong mỏi kết nối những giá trị lịch sử với hiện tại. Nhận thấy tấm lòng và niềm đam mê của người con Bát Tràng, các bảo tàng đã mở cửa chào đón ông, giúp ông được chạm tay vào quá khứ, phục dựng lại những giá trị truyền thống của dân tộc. Ông nói: “Thật ra, tất cả tinh túy trong nghề, các cụ trong làng đều đã để lại cho con cháu. Bí quyết nằm trong những câu ca dao, tích truyện, quan trọng là hiểu, đúc kết được kinh nghiệm của các cụ và tạo cho mình một hướng đi mới thôi. Các cụ bảo “nhất dáng, nhì men, tam tích, tứ họa”, nghĩa là trước hết phải chọn được dáng đẹp cho gốm, sau đó là loại men phù hợp. Tiếp đến là “tích”, tức là câu chuyện, sự tích được thể hiện trong các sản phẩm gốm, dựa vào tích, có thể chọn cách họa phù hợp (ám họa, đắp nổi, vẽ)”. Và Trần Độ cứ thế làm đúng theo kinh nghiệm các cụ để lại, đồng thời sáng tạo thêm cho mình những nét riêng độc đáo.

Lạc lõng giữa dòng sản phẩm gốm hiện đại, nhưng ông lại chính là người khơi nguồn cho dòng chảy truyền thống về với hôm nay. Sau gần 50 năm đam mê với nghề, ông đã làm chủ thành thạo 70 bài men gốm. Các men cổ như màu hoàng lưu ly, tím lưu ly..., tinh túy của các triều đại một thời giờ đây đều được ông phục dựng thành công. Năm 2003, gốm sứ Trần Độ đã được Văn phòng Chính phủ đặt hàng tặng các nguyên thủ nhiều nước và quà tặng ngoại giao với bạn bè quốc tế. Tại hội nghị ASEAN lần thứ 16, gốm hoa nâu triều Trần do Trần Độ tham gia phục chế cũng đã được dùng làm quà tặng quan chức cấp cao dự hội nghị.

Đặc biệt, tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trần Độ đã làm “sống dậy” 500 cổ vật gốm của các triều đại - sản phẩm lịch sử tưởng như bị thời gian 1000 năm vùi lấp. Tất cả được hội tụ và trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến bao người Việt phải thổn thức, kinh ngạc và khâm phục. Các sản phẩm gốm sứ của Trần Độ cũng được trưng bày tại rất nhiều không gian tâm linh của cả nước và trên khắp thế giới. Đúng như tâm nguyện của ông, gốm sứ Bát Tràng giờ đây đã nức tiếng gần xa. Những sản phẩm gốm đại diện cho văn hóa thủ đô nói riêng và xa hơn là của văn hóa dân tộc, giờ đây đã có mặt khắp năm châu, mang cái tên Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nghệ nhân thợ giỏi Bát Tràng tâm sự: “Trần Độ là một người nghệ nhân vô cùng tài hoa và sâu sắc. Anh không chỉ giỏi nghề, đam mê với gốm mà còn là người anh tốt, một người thầy giỏi, luôn giúp đỡ, động viên anh em trong CLB Nghệ nhân. Anh luôn khát khao cống hiến và đã mang lại những giá trị tinh thần vô giá cho Bát Tràng, cho Hà Nội và lưu giữ hồn dân tộc”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một trái tim yêu gốm...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.