Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một CLB bóng bàn người Hà Nội ở phương Nam

Vũ Đình Quý| 07/04/2013 06:48

(HNM) - Sở dĩ có cái tên đó, bởi hầu hết thành viên là những người Hà Nội đang làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ (CLB) đặt tại 179 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận.

CLB bóng bàn ở ngay trung tâm quận Phú Nhuận, vừa gần lại thuận đường nên thu hút nhiều vận động viên (VĐV) vang bóng một thời cùng những VĐV năng khiếu. Đặc biệt, trong hơn 20 VĐV thường chơi bóng nơi đây thì có tới 18 người được sinh ra, lớn lên hay đã từng sinh sống ở Hà Nội. Đây còn là nơi gặp gỡ của nhiều VĐV với nhiều phong cách, trường phái cũng như sử dụng các loại mặt vợt khác nhau. Hay nói cách khác CLB là nơi gặp gỡ của những con người, những mảnh đời vô cùng đa dạng nhưng có chung sở thích bóng bàn. Đó là Trần Nhật Thăng, tuyển thủ bóng bàn nổi tiếng một thời của Hà Nội, từng thi đấu bóng bàn ở trại Đa-vít Tân Sơn Nhất trong những ngày đất nước chưa thống nhất. Là Trần Hợp Chính (ở phố Phan Đình Phùng), Nguyễn Văn Chỉ (phố Hàng Bạc), Ngô Mạnh Tuấn (phố Hàng Chiếu), Xuân Lương (phố Trần Nhật Duật)… Hầu như chiều nào các anh cũng có mặt bên bàn bóng. Các VĐV năng khiếu một thời từng học qua lớp năng khiếu bóng bàn ở Trung tâm Quần Ngựa Hà Nội như Bảo Nghĩa, Tuấn Hợp, Văn Quân… nay đều đã bước vào lứa tuổi "tri thiên mệnh" nhưng hằng ngày chẳng bao giờ quên cho cây vợt, trái bóng vào túi xách trước lúc đi làm. Chiều đến, tất cả rủ nhau cùng đến CLB, nói theo như Bảo Nghĩa, là để "mua" thêm chút mồ hôi cho khỏe khoắn, dễ chịu...


CLB bóng bàn của người Hà Nội nằm trên lầu 4, cao đấy chứ, thế nhưng những bước chân của các lão tướng (U60, U70) hằng ngày vẫn leo lên leo xuống đều đặn, cho dù trời mưa hay nắng, không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên. Nhắc đến cụm từ "cho dù trời mưa hay nắng", tôi bỗng nhớ đến bài hát có cái tên khá ngộ nghĩnh "Ping Pông" của lão tướng Nguyễn Thịnh, từng là một cây solit Acordeon trong Đoàn văn công Công an vũ trang, nhà anh ở ngay phố Huế. Cũng vì quá say mê bóng bàn, Nguyễn Thịnh đã cảm xúc viết nên ca khúc có tựa đề "Ping Pông", mà đến nay chúng tôi vẫn gọi vui là "Hành khúc bóng bàn" của CLB. Lời ca ngắn gọn, giản dị:

Mặc cho dù trời mưa hay nắng, cứ ping pông ta chơi cho thật đều.
Về nhà vợ ta la mắng, cứ ping pông ta chơi cho thật hay.
Ô hô, a ha. "Tiu" là thua.
Ô hô, a ha thua thì "tiu".
Ô hô, a ha, thua là chung, chung là "ve", là "ve".

Và cứ mỗi lần CLB tổ chức thi đấu giao lưu, giao hữu… là bài hát “Ping Pông” lại vang lên trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Nói về sự say mê bóng bàn của các thành viên trong CLB, tôi phải xin "đính chính" ngay rằng, không phải là say mê, mà là đam mê. Không đam mê thì làm sao có chuyện Trần Thanh Hà, một thành viên trong CLB (ở phố Giảng Võ, Hà Nội), làm kiểm soát viên trên tàu, cứ mỗi lần tàu từ Hà Nội về đến ga Hòa Hưng (TP Hồ Chí Minh), cho dù mệt mỏi vẫn nhanh nhẹn khăn gói, vợt, bóng… chạy thẳng đến CLB. Thậm chí, nhiều hôm anh còn mang theo cả nem chua Thanh Hóa, giò bò Đà Nẵng hoặc gà Diêu Trì, pa tê Hà Nội… về làm quà cho thành viên CLB. Anh tâm sự: "Vừa xuống tàu là em chạy ngay đến đây, nhớ bóng bàn quá, không làm mấy ván, khó mà về nhà nghỉ được!".

Còn Lê Tiến Dũng thì đam mê bóng bàn đến mức, không kể ngày giỗ, ngày tết, cứ xong việc nhà, là anh lao đến CLB. Có hôm không gặp được "đồng nghiệp" nào để làm vài ván, anh tiếc ngẩn tiếc ngơ. Trong khi đó Trần Hợp Chính, một tay vợt từng vô địch Giải bóng bàn thanh niên Hà Nội năm 1964, dù ngày nào cũng có nhiệm vụ đưa con đi học, nhưng khi con vào lớp cũng là lúc anh đến CLB, tranh thủ làm mấy "sec". Riêng Nguyễn Văn Chỉ, một trong những người đến với bóng bàn khá muộn, nhưng do đam mê môn thể thao này anh đã kiên trì tự rèn luyện và trưởng thành. Khi đã sang tuổi lên lão, anh vẫn cùng đoàn bóng bàn lão tướng Hà Nội đoạt chức vô địch giải toàn quốc, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Ở CLB bóng bàn chúng tôi còn có những chuyện thật vui, đó là từ sự đam mê bóng bàn mà Quang - Hồng đã trở thành vợ chồng. Hồi ấy, ngành đường sắt tổ chức giải bóng bàn toàn ngành tại Hà Nội. Quang ở Hà Nội, Hồng từ TP Hồ Chí Minh ra, dù ở hai đầu đất nước, gặp nhau lần đầu, nhưng chỉ sau vài đường bóng qua lại, hai "đối thủ" đã bén duyên nhau. Nay đã lên chức ông ngoại, bà ngoại từ lâu rồi, nhưng bóng bàn vẫn là niềm đam mê của ông bà…

Trong giới bóng bàn TP, không ai lại không biết đến sự đam mê bóng bàn của ba anh em Hoàng Tôn Trọng, Hoàng Tôn Kính, Hoàng Tôn Trúc. Đến nay, đã vào hàng lão làng, lão tướng trong làng bóng bàn, nhưng không "xới" nào ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh lại vắng mặt các anh. Riêng Hoàng Tôn Trúc, cứ xuống sân bay Tân Sơn Nhất, là cầm vợt chạy thẳng tới CLB.

Thế mới biết bóng bàn có ma lực đến mức nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một CLB bóng bàn người Hà Nội ở phương Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.