(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, Tổng cục Du lịch (TCDL) (Bộ VH,TT&DL) đã chính thức công bố chương trình kích cầu du lịch mới cho năm 2010 có tên gọi:
Theo đó, ngành du lịch đang tập trung chuẩn bị cho chiến dịch bán hàng giảm giá vào tháng 8 và 9 tới. Hoạt động này được xem là tiền đề để phát triển du lịch mua sắm. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là mức chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam rất thấp bởi sản phẩm du lịch của ta quá nghèo nàn.
Khách du lịch quốc tế tham quan làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Bá Hoạt |
Chỉ chi 10 - 15% cho mua sắm
Du lịch kết hợp mua sắm là một loại hình du lịch phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Lợi nhuận từ việc mua sắm của du khách là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch tại nhiều nước như: Thái Lan, Malaixia và Xingapo. Tuy nhiên, một đại diện của TCDL đã đưa ra con số đáng buồn về chi tiêu dành cho mua sắm của khách quốc tế tại Việt Nam, đó là tính trung bình trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ chi khoảng 10-15% cho mua sắm. Trong khi đó, Thái Lan đã thu được từ 50-55% chi phí mua sắm từ mỗi du khách.
Tại chiến dịch bán hàng giảm giá, TCDL lựa chọn tổ chức các phố mua sắm, thủ công mỹ nghệ và ẩm thực tại 3 thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo các công ty du lịch, du khách quốc tế đến Việt Nam đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm được làm bằng tay. Dù hầu hết các địa phương trên cả nước đều có làng nghề thủ công truyền thống nhưng những sản phẩm để bán cho du khách lại đơn điệu về chủng loại và mẫu mã. Lý do đó khiến du khách đến các cửa hàng chỉ để... tham quan.
Gần 10 năm xa quê hương nên mỗi lần có dịp trở lại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh (Việt kiều) lại tìm mua những món quà lưu niệm để tặng bạn bè và người thân tại Canađa. Nhưng lần nào cũng vậy, món quà được bà Minh lựa chọn vẫn chỉ là những tấm khăn thêu được bày bán trên phố Hàng Gai. “Những mặt hàng khác như: tranh chạm khắc gỗ, tranh sơn mài, tượng đá, chai lọ thủy tinh, sành sứ… thì rất nặng và khó mang đi xa. Còn các mặt hàng thời trang như: đồ trang sức, giày dép, túi xách, quần áo… hay thực phẩm không thể cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với hàng nhập khẩu. Thật khó để tìm được sản phẩm vừa mang đặc trưng của Việt Nam vừa đáp ứng thị hiếu!”, bà Minh nói.
Dù có rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống nhưng trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch quốc gia 2010, Hà Nội vẫn chưa tìm ra một mẫu biểu tượng đặc trưng của Thủ đô ngàn năm tuổi để làm quà tặng cho du khách. Hiện Hà Nội đang phát động cuộc thi: “Sáng tác mẫu quà tặng chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Theo TCDL, năm 2010 có quá nhiều sự kiện trọng đại, khách ra vào nước ta nhiều, vì vậy, những sản phẩm, lưu niệm, quà tặng có giá trị thẩm mỹ, mang đậm nét lịch sử, văn hóa sẽ trở thành cầu nối quan trọng giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam tươi đẹp đến bạn bè quốc tế.
Làm thế nào để du khách “móc hầu bao”?
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, vấn đề làm thế nào để “móc hầu bao” du khách khi đến Việt Nam vẫn khiến ngành du lịch “đau đầu”. Ngay chính những “người trong cuộc” như ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, dù ngành du lịch đã nhiều lần đưa ra quy hoạch làng nghề để phát triển sản phẩm nhưng các mặt hàng của du lịch Việt Nam còn rất nghèo nàn. Những mặt hàng, sản phẩm đặc trưng mang tính “mũi nhọn”, đúng thị hiếu chưa có thì nói gì đến việc “móc hầu bao” của du khách. “Việc “kéo” du khách đến mới chỉ đạt được một nửa sự phát triển du lịch. Điều quan trọng là phải giữ được khách và “buộc” khách phải chi tiêu”, ông Khánh khẳng định.
Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, ngay tại các nước trong khu vực như: Thái Lan, Inđônêxia, Xingapo… việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách đã được coi trọng từ lâu. Việc tổ chức bán hàng lưu niệm cho khách cũng rất bài bản. Ngay tại các khách sạn, du khách có thể mua mặt hàng này với các chủng loại, mẫu mã đa dạng và phong phú. Trong khi đó ở Việt Nam, việc dẫn khách nước ngoài đi mua hàng lưu niệm cũng gặp khó khăn. Cách tốt nhất là đưa khách vào siêu thị, các chợ nhưng khách nước ngoài lại “dị ứng” với chợ của Việt Nam.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho biết, trong chiến dịch bán hàng giảm giá này, ngành du lịch cũng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của ngành công thương, các trung tâm thương mại và các thành viên của Hiệp hội bán lẻ. Mục tiêu lâu dài là phát triển chương trình giảm giá thành thường niên và xây dựng những “tua” du lịch mua sắm. Chính vì vậy, ngành du lịch sẽ phát động cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm dành cho du khách.
Để chiến dịch kích cầu du lịch thông qua mua sắm đạt được hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã đề cập đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho du khách. Vấn đề này đã được nhiều nước thực hiện nhưng ở Việt Nam chỉ mới được “nhắc đến”. Theo ông Tuấn, ngành du lịch sẽ đưa kiến nghị trên ra cuộc họp BCĐ phát triển du lịch quốc gia diễn ra tới đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.