(HNM) - Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án An sinh xã hội giai đoạn 2011- 2020 để trình Chính phủ. Đề án sau khi hoàn thiện và đi vào thực hiện, những lao động nghèo, lao động yếu thế và những lao động không có việc làm ổn định... sẽ có cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động- Bộ LĐ-TB&XH.
* ông có thể cho biết những mục tiêu chính của Đề án An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 mà Viện đang xây dựng?
Việc trồng, phát triển rừng là một hướng đi bền vững, ổn định cho người nông dân vùng sâu, vùng xa. |
- Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã dành nguồn kinh phí rất lớn chăm lo đời sống người lao động bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống ổn định cho mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi giai đoạn đều có những chính sách mới phù hợp với hoàn cảnh thực tế, do đó có thể bị chồng chéo hoặc có những khoảng trống cần được điều chỉnh. Vì vậy, Đề án an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 có thể được coi là một chiến lược tổng thể nhằm phủ kín các đối tượng với sáu mục tiêu lớn. Đó là: tăng cường tính bình đẳng trong thị trường lao động, hỗ trợ lao động yếu thế gia nhập thị trường lao động; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội tiên tiến bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện với độ bao phủ rộng; tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế công với mục tiêu 100% dân số được bảo hiểm y tế vào năm 2014; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt với mục tiêu hầu hết số người có mức sống dưới mức tối thiểu sẽ được trợ giúp; giảm nghèo bền vững, ngăn chặn bất bình đẳng gia tăng; bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, trợ giúp pháp lý, nước sạch...
* Vấn đề mấu chốt nhất để bảo đảm an sinh xã hội vẫn là tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Vậy đề án sẽ có những giải pháp nào để những lao động phổ thông, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa có việc làm để ổn định thu nhập, thưa ông?
- Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đề xuất đưa những lao động thuộc diện hộ nghèo và không được đào tạo vào làm việc luân phiên ở những công việc đơn giản như trồng rừng, phát triển rừng; đưa vào làm ở những công trình trên địa bàn để bảo đảm mức thu nhập ít nhất bằng với mức lương tối thiểu. Đối với những em nhỏ trong độ tuổi đi học mà phải tham gia làm kinh tế, chúng tôi có thể đề xuất Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, ít nhất bằng mức thu nhập mà các em có thể đạt được để các em được bảo đảm thời gian đến lớp học văn hóa hoặc học nghề nhằm nâng cao kiến thức và trình độ nghề cho các em. Từ đó, các em sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm, cơ hội có thu nhập cao hơn và chủ động tham gia vào hệ thống an sinh xã hội như BHXH, BHYT...
* Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.