(HNMO) - 8h ngày 17-6, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và được cách ly tại một khách sạn ở quận 7 trong 7 ngày, trước khi về địa phương cách ly tại gia 7 ngày rồi tự theo dõi sức khỏe đủ 28 ngày. Việc này đã tạo tiền lệ cho rút ngắn thời gian cách ly tập trung với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch và là cơ sở nghiên cứu áp dụng "hộ chiếu vắc xin" tại Việt Nam.
Tạo tiền lệ tốt
Không chỉ thành viên đội tuyển bóng đá Việt Nam được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch Covid-19, hàng trăm nghìn người Việt ở nước ngoài cũng đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch nằm trong danh mục được Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng, như AstraZeneca và Pfizer…
Từ Vác xa va (Ba Lan), chị Phạm Thanh Thủy, 45 tuổi, quê ở Hà Nội, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới qua mạng xã hội rằng, ngày 16-6, chị đã được tiêm mũi vắc xin thứ 2 phòng dịch Covid-19 của AstraZeneca. Gửi cho phóng viên xem giấy chứng nhận hoàn thành tiêm vắc xin, chị hỏi: “Như vậy, tôi có được rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 28 ngày xuống 7 ngày khi về Việt Nam hay không?”.
Câu hỏi của chị Thủy cũng là câu hỏi của rất nhiều người muốn về Việt Nam sinh sống, làm việc và đi du lịch. Còn với góc nhìn của nhà kinh tế, bà Lương Bích Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu việc cách ly các thành viên đội tuyển Việt Nam được áp dụng thành công thì chúng ta có quyền nghĩ đến việc áp dụng hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch; thậm chí mở ra cơ hội du lịch theo mô hình “bong bóng - bubble”.
“Nhiều khách du lịch Hàn Quốc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin rất mong được du lịch Việt Nam trong một tour kín theo mô hình “bong bóng”, nghĩa là chỉ những người trong đoàn du khách và người tại các điểm đến tiếp xúc với nhau trong suốt hành trình, không tiếp xúc với bên ngoài. Nơi cách ly tập trung có thể là khách sạn hạng sang; nơi sinh hoạt khép kín có thể là sân gôn hoặc điểm đến du lịch dành riêng cho những du khách này…”, bà Lương Bích Ngọc nói.
Nhiều người cũng có suy nghĩ như trên. Hồi tháng 4-2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga đã đến làm việc với tỉnh Kiên Giang về việc xúc tiến đưa sản phẩm, dịch vụ Phú Quốc đến với Liên bang Nga. “Khách du lịch Nga thích đi Phú Quốc và du lịch nghỉ dưỡng là chính, chủ yếu ở các khu resort, khách sạn. Đoàn sẽ có báo cáo, trình Chính phủ xem xét, quyết định thí điểm mô hình “du lịch cách ly khép kín” cho khách du lịch từ Nga tới Phú Quốc”, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nói.
Về phía địa phương, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, cơ quan này đang xem xét tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ cho phép thí điểm áp dụng mô hình "du lịch cách ly khép kín" ở thành phố đảo Phú Quốc. Theo ông Thái, Phú Quốc có sân bay quốc tế, có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế, rất thuận lợi cho việc triển khai mô hình du lịch với "hộ chiếu vắc xin".
Chờ đợi mô hình thí điểm
Nói về vấn đề "hộ chiếu vắc xin", Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam nhận định: “Hộ chiếu vắc xin là công cụ tốt để tạo thuận lợi cho những người này di chuyển tự do trong nội địa các nước và giữa các nước với nhau, không cần cách ly”. Tiến sĩ Lương Hoài Nam còn cho rằng, Việt Nam cần tìm mọi cơ hội, cách thức để tính chuyện mở lại du lịch quốc tế ngay từ những người đã tiêm vắc xin chứ không nên chờ hết dịch hoàn toàn mới mở.
Còn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết: “Làm sao để đón được những khách tới từ những thị trường an toàn, khách đã được tiêm phòng Covid-19, đã có xét nghiệm RT-PCR âm tính, khách lưu trú càng lâu, chi tiêu nhiều, ít di chuyển càng tốt… Ngược lại, từ phía điểm đến được thí điểm đón khách cần đảm bảo 100% nhân viên, 70-90% dân cư được tiêm phòng Covid-19, có đầy đủ cơ sở vật chất để đón khách, có các sản phẩm đủ hấp dẫn, phù hợp với xu hướng mới, có sân bay quốc tế, bệnh viện quốc tế… để đảm bảo an toàn, tạo tâm lý an tâm cho khách đến”.
Từ tháng 7-2021, Thái Lan sẽ áp dụng mô hình du lịch khép kín tại khu du lịch biển Phukhet. Theo đó, du khách đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ và không tới từ các quốc gia có nguy cơ cao, sẽ được đến Phuket mà không cần cách ly. Trong kế hoạch có tên Phuket Sandbox này, Thái Lan sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 70% dân số trên đảo Phuket (hiện là 60%) để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi mở cửa trở lại đón du khách quốc tế.
Ngày 11-6, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương để Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bên và địa phương triển khai thí điểm việc đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” đến thành phố đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Bà Lương Bích Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là tin vui đối với ngành Du lịch. Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp du lịch đang rất trông đợi những cơ hội mở ra từ chính sách mới này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.