(HNMCT) - Trong những ngày “bão” Covid-19, trẻ con nghỉ học, nhiều người lớn nghỉ làm hoặc làm việc online. Thay vì phàn nàn hay hoang mang, nhiều gia đình đã biến “kỳ nghỉ dịch” thành cơ hội để các thành viên cùng vui chơi, cùng học tập, hướng dẫn trẻ làm việc nhà hay hoàn thành những việc mà ngày thường vốn không đủ thời gian để thực hiện như xem phim, nghe nhạc và đặc biệt là đọc sách...
Không để thời gian “chết”
Mới đây, một thông tin “hot” khiến giới yêu thích sách trầm trồ, đó là để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) mở kho thư viện trực tuyến và sẽ miễn phí cho bạn đọc đến cuối tháng 5-2020. Đây là cơ hội có một không hai để độc giả trên toàn thế giới tiếp cận kho sách khổng lồ quý giá của ngôi trường danh giá này. Tuy chỉ được đọc online, không cho phép dowload nhưng với giới nghiên cứu, cơ hội này là quá tuyệt vời. Covid-19 làm thay đổi quá nhiều thứ, vô số điều không may xảy ra nhưng cũng có những khía cạnh tích cực như nguồn sách phục vụ việc học tập và nghiên cứu từ xa này chẳng hạn. Có rất nhiều tài liệu quý, hiếm, hoặc có giá quá đắt mà trước đây không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận, nhất là đối với độc giả ở những nước đang phát triển như Việt Nam.
Tranh thủ “lĩnh hội tri thức” trong thời gian nghỉ tránh dịch, không phải chỉ giới nghiên cứu hay ham đọc mới “chỉ điểm” cho nhau, mà nhiều người dân Việt cũng coi đây là cơ hội để đọc. Số lượng bạn đọc đặt mua sách online tăng nhanh trong những ngày vừa qua đã cho thấy điều đó. Trên các group đọc ở mạng xã hội, liên tiếp xuất hiện các bài viết “khoe” thành quả “gặt hái” trong “mùa” sách giảm giá online và nhiều bài viết giới thiệu sách. Người dân ở khu cách ly không tiện “đi dạo” trên các hội sách online thì có thể đọc trực tuyến. Song, để đáp ứng nhu cầu đồng thời hỗ trợ đời sống tinh thần cho người dân ở khu cách ly tập trung, hiện nay, một số nơi đã bắt đầu triển khai tủ sách mini, tủ sách di động, bao gồm các đầu sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Ký túc xá Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc đã được dọn dẹp sạch sẽ, vận hành hệ thống Internet tốc độ cao và đặc biệt là quà tặng sách dành cho những người lấy nơi đây làm nhà trong 14 ngày. Hàng nghìn cuốn sách đã được đóng gói với những lời nhắn gửi ý nghĩa như: “Đừng để lo lắng và bất an xâm chiếm tâm hồn bạn. Hãy đọc những cuốn sách đẹp đẽ này. Và hãy nhớ rằng chúng tôi đang đồng hành cùng bạn”, “Ai cũng đều mơ ước được thư giãn nghỉ ngơi. Bạn đang được thảnh thơi, hãy làm điều mình thích”... Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, đơn vị này quyết tâm tạo nên một khu cách ly đặc biệt - “khu cách ly yêu thương, tử tế và tri thức, để các bạn biến thời gian cách ly thành thời gian sống chậm, hưởng thụ cuộc sống, tích lũy tri thức”.
Tăng sức đề kháng cho tâm hồn
Trong cuộc sống gấp gáp mà ngay cả việc đọc cũng theo xu hướng đọc ngắn, đọc nhanh, xem hình là chính, những phút giây được “sống chậm” thật quý giá. Trên trang facebook cá nhân, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam, ông Vũ Trọng Đại chia sẻ: “Xuân hạ thu đông, bốn mùa đọc sách. Mùa dịch sương gió, giá rét lạnh lùng. Giữ lòng tĩnh lặng, đóng cửa đọc sách”. Không chỉ để làm giàu thêm vốn hiểu biết, khi dịch Covid-19 hoành hành, sách là liều thuốc đề kháng cho tâm hồn, giúp người đọc không rơi vào sự chán chường, lười biếng, ỷ lại khi bỗng có một quãng thời gian trống.
Đặc biệt là với trẻ em, kỳ nghỉ bất đắc dĩ là cơ hội để khám phá thế giới sách. Trong cuốn sách Cảo thơm lần giở của mình, nhà phê bình văn hóa Hữu Ngọc cho rằng: “Cái gì học từ thời niên thiếu thường đọng lại trong trí nhớ, có khi suốt đời”. Và đọc sách chính là kênh giải trí an toàn nhất, hiệu quả và chi phí không cao. Chị Lã Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi tuần đã cùng con lên danh sách đọc để “khám phá” chính tủ sách trong gia đình mình. Theo chị Hằng, trẻ con thường có xu hướng thích truyện tranh, thích phim hoạt hình, ngại đọc sách “nhiều chữ”, do đó, ngoài tạo hứng khởi cho con trẻ thì cũng cần “thiết quân luật” trong việc đọc. Áp dụng “cả cương lẫn nhu”, số sách mà con gái chị đọc được từ đầu mùa dịch đến giờ đã gần bằng tổng số sách đọc cả năm trước.
Với trẻ chưa biết đọc thì “kỳ nghỉ Covid” chính là cơ hội để cha mẹ đọc sách cùng con; mỗi ngày dành một chút thời gian là đủ để tạo cho con niềm hứng khởi với sách, yêu thích sự đọc, hình thành thói quen tìm hiểu sách và tăng sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình. Đôi khi, một câu chuyện hấp dẫn đứa trẻ không chỉ nằm ở nội dung cuốn sách, mà còn ở cách cha mẹ và con chia sẻ cảm nhận, thảo luận cùng nhau. Và như thế, nhờ thế giới sách muôn màu, cuộc sống giữa những khó khăn ngày dịch sẽ phong phú, ý nghĩa hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.