Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội cho xuất khẩu nông sản

Thế Văn| 12/01/2023 06:52

(HNM) - Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại cùng với việc hàng loạt nghị định thư xuất khẩu chính ngạch có hiệu lực là một tín hiệu tích cực để nông sản Việt Nam vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có sự “bùng nổ” xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm 2023.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Trung Quốc không phải là thị trường “dễ tính” và đã có những thay đổi lớn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo hướng chặt chẽ hơn. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải có cách tiếp cận mới với thị trường quan trọng này.

Thị trường Trung Quốc chiếm tới 17% kim ngạch xuất khẩu nông sản và chiếm tới 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, là thị trường tiềm năng với nhiều dư địa phát triển.

Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã “mở cửa” cho nhiều loại nông sản như sầu riêng, khoai lang, chanh leo…; xuất khẩu các mặt hàng rau, quả năm 2022 sang thị trường này đã lên tới 3,34 tỷ USD và theo dự báo của nhiều chuyên gia, sẽ cán mốc 4 tỷ USD trong năm 2023.

Đặc biệt, thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp của thị trường Trung Quốc đang tăng cao. Cơ hội cho nông sản xuất khẩu Việt Nam rộng mở, nhưng không có nghĩa là không có thách thức. Bởi lẽ cùng với việc mở cửa biên giới, những hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên.

Thị trường Trung Quốc đang “khó tính” hơn với hệ thống quy định ngày càng chặt chẽ từ tiêu chuẩn về quản lý, thực hành đến vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong khi không ít doanh nghiệp của nước ta vẫn giữ tư duy “buôn chuyến” hoặc vì chạy theo lợi nhuận, đánh mất thương hiệu trong việc bảo đảm chất lượng, số lượng hàng hóa, không giữ được chữ “tín” với đối tác.

Mặt khác, như nhận định của giới chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc nên chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng, nhất là về mẫu mã, thương hiệu.

Trong năm 2023, cùng với việc ký kết các nghị định thư nhằm tăng cường xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch sang Trung Quốc, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp… đáp ứng những yêu cầu mới với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

Cùng với đó là chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở chế biến; hình thành chuỗi thông tin về an toàn thực phẩm…, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần đổi mới nhận thức, chú trọng nghiên cứu thị trường, qua đó thay đổi tư duy sản xuất, phương thức lưu thông, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường theo hướng “nhập gia tùy tục”. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận sâu hơn với từng phân khúc thị trường; chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như tìm kiếm các nhà phân phối uy tín để liên kết phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Để khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường và phát triển bền vững những ngành hàng nông sản xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng một chiến lược phát triển từ hình thành các vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương làm “cầu nối” cho doanh nghiệp bắt nhịp và hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh mới.

Cơ hội mở ra cùng thách thức! Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo con đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước phát triển là hướng tất yếu, cũng là giải pháp tăng trưởng bền vững cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho xuất khẩu nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.