Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội cho một nền hòa bình bền vững

Vân Khanh| 27/09/2012 07:42

(HNM) -


Phiên thảo luận cấp cao, sự kiện quan trọng nhất của mỗi khóa họp LHQ do vậy cũng được mở đầu bằng những bài phát biểu đề cập đến các cuộc xung đột vũ trang, tôn giáo, chính trị... như những thách thức an ninh hàng đầu với sự bình yên và phát triển của nhân loại.

Khi đại diện 193 thành viên LHQ tề tựu tại trụ sở ở New York bắt đầu cuộc gặp được mong đợi thì tại Trung Đông, súng vẫn nổ ở Syria; Israel lên tiếng sử dụng vũ lực để chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran và người Palestine vẫn chưa có một quốc gia độc lập cho riêng mình... Vượt lên những âu lo về sự trì trệ của kinh tế thế giới, Trung Đông lại một lần nữa làm nóng bầu không khí tại diễn đàn chính trị lớn nhất hành tinh.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi cuộc khủng hoảng Syria trong 18 tháng qua với gần 30.000 sinh mạng bị cướp đi là sự "tê liệt" của LHQ. Kể từ các cuộc xung đột đầu tiên được truyền cảm hứng từ làn gió "Mùa xuân Arab" nổi lên ở quốc gia Trung Đông cho đến nay, thế giới vẫn bế tắc và chia rẽ trong cuộc tìm kiếm hòa bình tại đây. Phương Tây ủng hộ dùng vũ lực để loại bỏ Tổng thống Bashar Al-Assad trong khi Nga, Trung Quốc với bài học nhãn tiền từ Libya kiên quyết phản đối. Kết quả là vòng tuần hoàn bạo lực đang không chỉ nhấn chìm Syria trong cảnh "nồi da nấu thịt" mà theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đây đã trở thành một thảm họa khu vực, một mối đe dọa tăng dần với hòa bình và an ninh tại khu vực và thế giới. Tuyên bố sẽ theo đuổi giải pháp thương lượng để kết thúc cuộc đối đầu dai dẳng ở Syria từ người đứng đầu LHQ tạm gạt bỏ mối lo ngại về một Libya thứ hai. Song, chừng ấy chưa đủ để mang đến lời giải đáp cho câu hỏi khi nào và bằng cách gì cộng đồng quốc tế sẽ chứng kiến hồi kết của cơn bạo loạn Syria khi những người cầm cân nảy mực trong HĐBA vẫn bất đồng sâu sắc và phương Tây vẫn xem việc hạ bệ ông Al-Assad là vấn đề tiên quyết.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, LHQ chưa thực sự thể hiện được vai trò như mong đợi tại nhiều điểm nóng quốc tế. Cuộc chiến chưa có khói súng nhưng luôn căng thẳng giữa phương Tây và Iran cũng có thể được xem là một điển hình thực tế. Kéo dài đã quá lâu và ở nhiều cấp độ, nhưng chưa một lần dư luận nhận thấy "hồ sơ" Iran sẽ khép lại. Những động thái của Israel gần đây bóng gió về một cuộc tấn công để hủy diệt tận gốc các cơ sở hạt nhân của quốc gia Hồi giáo và các tuyên bố đáp trả cũng quyết liệt không kém từ Tehran khẳng định Iran còn rất lâu nữa mới yên ả. "Vẫn còn thời gian và không gian để Iran giải quyết chương trình hạt nhân nhưng thời gian này không phải không có giới hạn", lời khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước phiên họp LHQ đã tạm khép cánh cửa một cuộc chiến mới nhưng vẫn để ngỏ những đòn trừng phạt nóng bỏng với Tehran.

Dẫu vậy, Iran vẫn là một đề tài không mới. Tổng thống B.Obama đã gần như dành trọn bài phát biểu để bày tỏ sự phản đối trước làn sóng biểu tình chống Mỹ xung quanh đoạn phim báng bổ đạo Hồi đã khiến sự kiện này trở thành vấn đề nổi cộm trong kỳ họp thứ 67. Lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực nhằm vào các cơ quan ngoại giao Mỹ, người đứng đầu Nhà Trắng đã nhìn nhận sự căm phẫn trong thế giới Hồi giáo hiện có là một chính sách chia rẽ và bạo lực. Như vậy có thể thấy rằng, những nỗ lực hàn gắn khác biệt với thế giới Hồi giáo của ông Obama vẫn dậm chân tại chỗ. Và sự bùng phát không thể ngờ tới trong cơn thịnh nộ của người Hồi giáo cũng là một chỉ dấu về những bất đồng tôn giáo, tín ngưỡng luôn là một ẩn họa tiềm tàng cho ổn định và an ninh toàn cầu.

Chủ tịch phiên họp Đại hội đồng LHQ Vuk Jeremic (Ngoại trưởng Serbia) cho rằng nhân loại đang sống trong kỷ nguyên mà các quốc gia có sự phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Việc xây dựng một hệ thống toàn cầu có tính đến sự bình đẳng và công bằng trong đối xử giữa các quốc gia là bảo đảm cho sự bình yên của mái nhà chung thế giới. Nhưng cũng thật đáng buồn vẫn còn những quốc gia vì lợi ích riêng mà bỏ quên luật pháp quốc tế và lợi ích của quốc gia khác. Chiến tranh sẽ không mang lại sự yên ổn cho ai và hãy tạo cơ hội để giải quyết các tranh chấp trong hòa bình vẫn là thông điệp của kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần này; đồng thời cũng là đích đến của loài người nhằm hướng tới một nền hòa bình và thịnh vượng trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho một nền hòa bình bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.