(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 62 đối với người lao động (NLĐ) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015, những NLĐ sang Hàn Quốc làm việc đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc cư trú trái phép nếu tự nguyện về nước sẽ được miễn các hình thức
Lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay tỷ lệ NLĐ Việt Nam đã hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc nhưng không về nước đứng hàng đầu trong số 14 nước có NLĐ làm việc ở đất nước này. 42.000 NLĐ Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (bao gồm NLĐ đi làm việc, du lịch, thăm người thân rồi ở lại, NLĐ đi theo chương trình cấp phép việc làm cho NLĐ nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận NLĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong những năm gần đây. Trước vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp hạn chế tình trạng NLĐ không về nước như ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính… nhằm giảm tỷ lệ NLĐ cư trú bất hợp pháp ở mức thấp nhất.
Theo quy định, NLĐ sẽ bị phạt hành chính từ 80 đến 100 triệu đồng, cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2 đến 5 năm đối với NLĐ hết hợp đồng không chịu về nước. Theo đánh giá, các biện pháp này đã có tác động tích cực khi tỷ lệ NLĐ hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 55,76% năm 2012 xuống còn 43,55% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm chưa như mong muốn. Theo nhận định của các chuyên gia về lao động, rất nhiều NLĐ mong muốn được hồi hương nhưng e ngại sẽ bị phạt nặng khi về nước. Chính vì vậy, Nghị quyết 62/NQ-CP được xem như một cơ hội cho những lao động có mong muốn được hồi hương khi quy định: Những NLĐ VN ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trước ngày 31-12-2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phía Hàn Quốc cũng có những chính sách nhằm khuyến khích NLĐ, trong đó, từ tháng 5-2015 nếu NLĐ tự nguyện hồi hương sẽ không bị giam giữ, không bị phạt tiền và có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc sau 2 năm kể từ ngày tự nguyện về nước (trước đó là 10 năm). Hơn nữa, những NLĐ hồi hương sau thời gian bỏ trốn còn được nhận các hỗ trợ về giới thiệu việc làm, lập nghiệp.
Khi đăng ký về nước, NLĐ ở Hàn Quốc mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay để xin đăng ký thủ tục tự nguyện về nước. Tại đây, NLĐ được hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về tiền lương và các thủ tục liên quan khác. Khi NLĐ hồi hương, để không bị đưa vào danh sách bị xử phạt hành chính hoặc hủy quyết định xử phạt, NLĐ cần thực hiện một số thủ tục khai báo về nước với UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm theo một bản photcopy hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Nếu NLĐ chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì gửi một bản photcopy hộ chiếu hoặc giấy thông hành về Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). |
Trước Nghị quyết của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã nhanh chóng có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận thông tin khai báo của NLĐ. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tình trạng LĐ Hà Nội cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là khá cao. Những huyện có số LĐ cư trú bất hợp pháp cao là: Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín... Năm 2013, có 313 người cư trú bất hợp pháp, chiếm khoảng 40,76%; năm 2014, số NLĐ cư trú bất hợp pháp là trên 100 người và tính đến hết tháng 9-2015 vẫn còn 502 NLĐ vẫn chưa chịu trở về nước đúng hạn. Đa số NLĐ khi đi XKLĐ đều mong muốn đổi đời nên họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, bất chấp rủi ro ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Sau khi có quy định xử phạt 80-100 triệu đồng nếu NLĐ không về nước đúng hạn, NLĐ càng e ngại khiến tỷ lệ không giảm. Vì vậy, Nghị quyết 62 là cơ hội tốt để NLĐ có thể hồi hương.
Ông Đào Huy Nhất, ở Xóm Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội có con trai là anh Đào Duy Nguyện đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cho biết, anh Nguyện hết hạn hợp đồng từ tháng 1-2015 nhưng vẫn chưa dám về vì sợ bị nộp phạt. Nay được miễn xử phạt ông rất mừng và đã thuyết phục được con trai trở về nước. Cùng chung tâm tư, bà Lê Thị Quý, ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, con trai bà là anh Phạm Văn Bằng thông báo sẽ sớm trở về nước đoàn tụ cùng gia đình từ khi biết có thông tin trên.
Về phía Sở LĐ-TB &XH Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Khánh cũng cho biết, nếu NLĐ tự nguyện về nước, ngoài sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, Hà Nội sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ khác. Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị đoàn thể chỉ đạo địa phương rà soát và vận động những gia đình có người đi XKLĐ tại Hàn Quốc đang cư trú bất hợp pháp về nước đúng hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.