(HNM) - Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội có 2 cơ sở. Trong khi hiện nay hạ tầng ở cơ sở 1 có rất ít học sinh học nghề, còn lại là cho thuê thì tại cơ sở 2 đã được cho thuê toàn bộ từ nhiều năm qua.
Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất và dịch vụ ở trình độ trung và sơ cấp nghề. Trong đó, cơ sở 1 (Ba La, phường Phú La, Hà Đông) có diện tích 4.213m2, tổng diện tích sàn xây dựng 2.720m2; cơ sở 2 (ở phố Đông Các, quận Đống Đa) với diện tích 2.985,4m2, tổng diện tích sàn xây dựng 3.460m2. Là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ), trong những năm qua, nhà trường đã tận dụng cơ sở vật chất nhàn rỗi, chưa sử dụng hết để ký hợp đồng liên kết, cho thuê địa điểm đối với các đối tác, tăng nguồn thu hỗ trợ các hoạt động chuyên môn.
Ông Vũ Kim Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết: Theo quy định, đơn vị sự nghiệp công lập có quyền sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, cho liên doanh, liên kết và không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao (Luật số 09/2008/QH12, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Do vậy, việc người dân phản ánh Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội sử dụng đất đai, nhà cửa sai mục đích là không có cơ sở!
Liên quan đến kiến nghị về việc sử dụng đất sai mục đích của nhà trường, UBND thành phố đã chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Trả lời Báo Hànộimới, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Về hiện trạng sử dụng đất, tại cơ sở 1 - Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội đang quản lý sử dụng làm cơ sở hoạt động sự nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, có 1 tòa nhà khoảng 200m2, nhà trường ký hợp đồng liên kết với Trường Trung cấp Y Hà Nội để đào tạo về điều dưỡng viên, y dược. Tại cơ sở 2, có 5 ngôi nhà (4 ngôi nhà được nhà trường ký hợp đồng liên kết với các đơn vị: Trường THPT Tô Hiến Thành mở các lớp đào tạo hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh; Trường Trung cấp nghiệp vụ Công đoàn Giao thông Vận tải sử dụng đào tạo các lớp nghề và thực hành nghề; Công ty TNHH Thiết kế và In Đức Phương làm xưởng sản xuất và thực hành nghề in cho học sinh; Khoa Y dược của Công ty CP Giáo dục đào tạo và Truyền thông cung ứng quốc tế làm phòng tuyển sinh và 1 nhà mái tôn có 3 phòng bán mái - diện tích nhà đất này nằm trong chỉ giới đường đỏ thuộc hành lang mở đường, không thuộc diện tích đất được Nhà nước giao cho Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội. Nhà trường đã làm nhà tạm để chống dân lấn chiếm.
Ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Sau kiểm tra, Sở Tài chính đã đề nghị Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội chấm dứt việc cho thuê và liên doanh, liên kết một phần diện tích của 2 cơ sở của nhà trường để sử dụng đúng mục đích theo chức năng, nhiệm vụ được giao...
Như vậy, ý kiến về việc sử dụng đất tại Trường Trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội của lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và Sở Tài chính có sự "vênh" nhau. Đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, có kết luận rõ ràng và giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.