(HNM) - Suốt 25 năm gắn bó với công tác giáo dục, cô giáo Nguyễn Thúy Vân, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là đối với các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Dưới sự dìu dắt của cô giáo Vân, các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn được trang bị những kiến thức, kỹ năng sống, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tâm huyết với học sinh đặc biệt
Từ lâu, Trường Tiểu học Thanh Trì đã được nhiều phụ huynh và người dân gọi là ngôi trường “đặc biệt”, bởi ở đó có những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thể chất được chăm sóc, dạy dỗ với tấm lòng yêu thương. “Con tôi bị tăng động giảm chú ý, gia đình tìm hiểu và biết Trường Tiểu học Thanh Trì có mô hình giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập nên đã xin cho con vào đây. Hiện cháu đang học lớp 1A2. Từ ngày đi học, về nhà con biết tự học bài, tiến bộ hơn. Tôi thực sự biết ơn các thầy, cô giáo của trường, đặc biệt là cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Vân” - Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hương (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Sinh năm 1973 tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), từ nhỏ cô giáo Nguyễn Thúy Vân đã mơ ước trở thành giáo viên và luôn phấn đấu rèn luyện, học tập tốt để thực hiện được ước mơ. Ra trường năm 1994, cô giáo Vân bắt đầu gắn bó với sự nghiệp trồng người. Trải qua nhiều năm công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 2015, cô giáo Vân được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì.
Một điều đặc biệt khiến ai cũng cảm phục khi nhắc đến cô giáo Vân, đó là một người luôn hết lòng với các em học sinh khuyết tật. Cô luôn mong mỏi mang đến cho các em nhỏ không may mắn những điều kiện tốt nhất trong học tập để các em sớm hòa nhập cùng các bạn.
Trường Tiểu học Thanh Trì có hơn 1.700 học sinh; trong đó, gần 50 em là trẻ khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ đang học hòa nhập cùng các học sinh bình thường. Từng là một giáo viên trực tiếp giảng dạy rồi qua nhiều vị trí quản lý trong nghề nên cô giáo Vân hiểu rõ điều gì cần thiết đối với các em học sinh khuyết tật. Cô đã nhờ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cử cán bộ đến hướng dẫn, giúp đỡ nhà trường, phân loại đánh giá học sinh và từ đó đưa ra biện pháp cũng như cách dạy đối với những học sinh đặc biệt. “Tôi được gần gũi với những phụ huynh có con là trẻ tự kỷ, tăng động. Họ tâm sự rất nhiều, họ khóc trước mặt tôi. Tôi nhận ra rằng việc dạy học sinh khuyết tật có vô vàn khó khăn và thử thách, nhưng so với nỗi vất vả của phụ huynh thì không là gì cả. Nhìn những đứa trẻ ngơ ngác, không biết giao tiếp với bạn bè, thực lòng tôi rất thương các con. Tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để hỗ trợ và giúp các con có kiến thức, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn”, cô giáo Vân tâm sự.
Từ suy nghĩ đó, năm học 2017-2018, cô giáo Vân đã xây dựng sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập ở trường tiểu học” và được đánh giá đạt loại B cấp thành phố. Sáng kiến này không chỉ triển khai hiệu quả tại Trường Tiểu học Thanh Trì mà còn được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam áp dụng làm mô hình điểm về dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.
“Dạy trẻ khuyết tật vốn gặp rất nhiều khó khăn, chính vì thế nhiều trường không dám nhận các con. Các con có những hành vi vô thức, nói năng, đi lại tự do, ảnh hưởng đến cô giáo và các bạn. Chưa kể, nhiều phụ huynh phản đối không muốn cho con em mình học chung với trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, tôi luôn động viên giáo viên là “thầy dạy bằng trái tim, trò học bằng nhiệt huyết”, cô giáo Vân chia sẻ.
Với những nỗ lực, lòng kiên trì của giáo viên, nhiều học sinh khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ ở Trường Tiểu học Thanh Trì đã đạt kết quả học tập tương đối khả quan so với khả năng của các em, thậm chí một số em đạt sức học như các học sinh bình thường. Phụ huynh có con em bình thường từ chỗ phản đối, nay đã ủng hộ việc học hòa nhập của trẻ khuyết tật.
Khi nhắc đến cô giáo Nguyễn Thúy Vân, các đồng nghiệp và phụ huynh đều khen ngợi cái tài, cái tâm của một người luôn tâm huyết với học sinh đặc biệt. Cô giáo Vương Tử Quyên (Trường Tiểu học Thanh Trì) nhận xét: “Cô Vân luôn sống giản dị, gần gũi với học trò, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Cô quan tâm đến từng em, nắm rõ hoàn cảnh để giúp đỡ, động viên kịp thời”.
Lan tỏa tấm lòng nhân ái
Không chỉ được ghi nhận về năng lực quản lý và chuyên môn ở đơn vị, cô giáo Vân còn có tấm lòng nhân ái, quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Với vai trò là người đứng đầu nhà trường, cô đã vận động các giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng tham gia công tác thiện nguyện. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã ủng hộ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) gần 40 triệu đồng; thường xuyên giúp đỡ 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học ở Trường Tiểu học Thanh Trì… Cô giáo Vân tâm sự: “Tôi và Ban Giám hiệu luôn quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các hoạt động hướng về cộng đồng được thường xuyên tổ chức với mục đích giúp các em sống nhân ái và yêu thương nhiều hơn, hướng tới phương châm sống “trao lòng tốt, nhận niềm tin".
Gắn bó với cô giáo Vân trong công tác từ thiện nhiều năm, bà Phan Thị Kim Chi, Phó Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Khu dân cư Bãi, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) cho biết: “Cô giáo Vân là người có trái tim nhân hậu, tinh thần vì cộng đồng rất đáng cảm phục. Hoạt động thiện nguyện nào, không nhiều thì ít, cô đều sẵn lòng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hằng tháng, cô giáo Vân chu cấp toàn bộ tiền ăn bán trú, tiền học, đồ dùng, sách vở cho học sinh Nguyễn Tuấn Anh (ở phường Thanh Trì), có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không người nuôi dưỡng. Cô đã nhận đỡ đầu cháu từ khi học lớp 1, đến nay cháu đã lên lớp 3”.
Tận tụy và dành nhiều tâm huyết với công tác giáo dục, cô giáo Nguyễn Thúy Vân đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018 cùng nhiều khen thưởng của các cấp, ngành. Cô tâm sự: “Điều hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là nhìn thấy sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện của các em học sinh và niềm vui của các bậc phụ huynh khi thấy con em mình trưởng thành từng ngày. Đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.