Xã hội

Cô gái “vẽ” cả thế giới lên da

Linh Tâm 10/06/2024 - 06:21

Ít ai nghĩ rằng ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ 19 phố Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) nhuốm màu thời gian lại là xưởng sản xuất những tác phẩm da độc đáo, cá tính và đầy chất nghệ thuật.

Người sáng tạo nên các tác phẩm điêu khắc trên da mộc ấy chính là cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Diệu Linh - chủ nhân thương hiệu Blooming Kraft Art.

5(2).jpg
Nguyễn Ngọc Diệu Linh và các tác phẩm của mình.

Duyên nghề

Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa (thuộc khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) năm 2012, Nguyễn Ngọc Diệu Linh sớm có công việc với mức thu nhập ổn định 1.000 USD/tháng tại một công ty thiết kế. Ngoài ra, cô còn là chủ một cửa hàng quần áo ở khu vực phố cổ. Trong khoảng thời gian này, bạn bè thi thoảng lại đưa cho của Diệu Linh dụng cụ điêu khắc trên da để “nghịch”.

Vốn học về đồ họa, hồi nhỏ lại thường xem ông nội sửa chữa giày da nên những thao tác kỹ thuật và sự đam mê với da đã ngấm vào Diệu Linh.

Sau 3 năm làm việc ở công ty thiết kế, Diệu Linh quyết định gác lại công việc ấy để theo đuổi nghề chạm khắc da. Người thân, bạn bè của cô khi ấy đều cho rằng đó là một quyết định liều lĩnh.

“Lúc ấy, tôi chỉ muốn được chạm khắc lên da những hoa văn luôn ám ảnh trong đầu. Tôi mong muốn được “vẽ” lên đó tất cả những gì mình thích. Dù biết con đường phía trước khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê” - Diệu Linh chia sẻ.

7(1).jpg
Quá trình làm các tác phẩm của Diệu Linh.

Ban đầu, những thứ Diệu Linh làm thường nhỏ và đơn giản như bao đựng bật lửa, ví, túi, dây đồng hồ... để tặng bạn bè, người thân. Sau này, ngày càng có nhiều người yêu thích và đặt hàng Diệu Linh. Độ khó và yêu cầu của khách cũng ngày càng tăng. Càng làm nhiều, tay nghề càng được nâng lên. Đó cũng là lúc Diệu Linh chuyển sang làm các dòng sản phẩm tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao như khung ảnh, tranh, bìa sách, sổ, tượng... Trung bình mỗi tháng cô làm được 10 - 20 sản phẩm, tùy thuộc độ khó và kích thước. Vì là hàng “handmade” (làm bằng tay) nên không rẻ, mỗi cái có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Ngắm những tác phẩm trên da của Diệu Linh, phải tinh mắt và có chút hiểu biết về nghề chạm khắc mới thấy được trình độ kỹ thuật “không phải dạng vừa” của cô gái trẻ này. Trên bề mặt da, những bông sen, cúc, hồng, những chiếc lá như đang đung đưa trong gió hay bật nở từng cánh; những loài động vật như chó, mèo, cá, hổ vằn hay đại bàng như đang đùa nghịch, bơi lội hay tung cánh trên không trung... nhờ kỹ thuật đột nổi tạo độ mềm mại, biến tấu khiến các họa tiết trở thành hình ảnh ba chiều sống động. Lại có những bìa sách như “Nam Hải dị nhân”, “Doraemon”... khiến ai xem cũng phải trầm trồ vì được khắc họa chân thực, sinh động.

Nhờ sự sáng tạo và tính mỹ thuật cao cùng những bí quyết được đúc rút trong gần một thập niên làm nghề nên những sản phẩm của Diệu Linh luôn có dấu ấn riêng. Đó là sự tinh tế trong từng nét chạm khắc, từng mũi khâu hay lỗ đục, giúp sản phẩm trông “khôn” và “tinh” như các thương hiệu cao cấp. Vì lẽ đó, Diệu Linh rất tự tin khi không để lại logo thương hiệu trên sản phẩm của mình bởi “tự thân các sản phẩm/ tác phẩm đã được gắn mác bởi chất cảm thẩm mỹ cũng như vẻ đẹp nguyên thủy từ chất liệu của riêng chúng”.

8.jpg
Tác phẩm của Diệu Linh.

Nhiều người khi mới bước chân vào nghề chạm khắc da thường nghĩ rằng, nghề này “vừa làm vừa chơi” cũng có thể sống tốt, nhưng thực tế không như vậy. Không phải người đi tiên phong trong lĩnh vực tạo hình trên da, nhưng Diệu Linh là một trong số ít người trụ lại với nghề cho đến hiện tại. Không ít người vào nghề trước cô, có xưởng lớn nhưng nay đã bỏ nghề vì thu nhập không xứng với công sức, không còn cảm hứng sáng tạo, lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn nữa, nếu không thường xuyên trau dồi tay nghề, cập nhật kỹ thuật và xu hướng mới của thế giới thì sớm muộn cũng bị đào thải.

Diệu Linh thì ngược lại: “Càng làm tôi càng thấy vui và yêu nghề bởi sự tự do trong việc thể hiện cái tôi, gu thẩm mỹ của mình mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng. Hơn nữa, tôi cũng tìm thấy con đường riêng cho mình, đó là trở thành một nghệ sĩ tạo hình trên da với những nghiên cứu chuyên sâu nhằm đưa nghề chạm khắc da của Việt Nam ra thế giới”.

Hòa cùng “biển lớn”

Ở Việt Nam, nghề thuộc da thủ công khá phát triển, nhưng không dễ để làm nên những sản phẩm có thể vươn tầm thế giới. Hằng năm, có những cuộc triển lãm quốc tế uy tín mà bất cứ người làm nghề nào cũng muốn một lần có tác phẩm được trưng bày, như Triển lãm World Leather Debut (Mỹ), International Leather Craft Exhibition (Nhật Bản)... Những triển lãm này thu hút hàng trăm nghệ nhân, thợ thủ công giỏi từ các quốc gia. Vậy mà năm 2023, Diệu Linh đạt giải Ba tại cả 2 triển lãm này với các tác phẩm “Ông Sấm” và “Lưỡng long tranh châu”.

Năm 2024, Diệu Linh tiếp tục đạt giải Ba tại World Leather Debut với tác phẩm “Mặt nạ mèo Ai Cập”. Cuối tháng 6 tới, cô gái trẻ này có dịp “khoe” với bạn bè quốc tế bức tượng làm bằng da khảm sơn mài “Cá chép hóa rồng” tại Bảo tàng Nghệ thuật O (Tokyo, Nhật Bản). Đặc biệt, các tác phẩm này đều được thực hiện bằng phương pháp Un-tooled (không dùng công cụ), chỉ dùng tay vuốt để tạo độ nổi khối và các chi tiết trên tác phẩm. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được.

6.jpg
Nguyễn Ngọc Diệu Linh miệt mài làm các tác phẩm.

Con đường đi của Diệu Linh càng ngày càng rõ nét khi cô luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật khó từ những người thầy, nghệ nhân nước ngoài. Năm 2022, Diệu Linh gác lại công việc, bất chấp rào cản về ngôn ngữ, tự bỏ chi phí sang Nhật Bản tìm gặp hai bậc thầy về nghệ thuật chạm khắc và nhuộm màu để học nghề. Những kỹ thuật này được đúc rút từ quá trình làm nghề trong suốt cuộc đời nên không phải ai cũng được hai nghệ nhân truyền dạy. Có lẽ cảm phục ý chí của cô gái trẻ, họ đã truyền cho Diệu Linh những bí quyết mà có lẽ ở Việt Nam chưa ai học được.

Trở về nước, Diệu Linh áp dụng những điều học được từ các thầy và tự mày mò thêm những kỹ thuật mới dựa trên nền tảng kiến thức cổ của cha ông. Chẳng hạn như tác phẩm “Cá chép hóa rồng” được tạo tác bởi kỹ thuật “đất nặn từ sợi da” - một chất liệu đặc biệt do chính Diệu Linh nghiên cứu, đồng thời dùng sơn ta, sơn then đánh, mài liên tục 10 - 12 lớp để cho ra sản phẩm có màu cánh gián bóng đẹp. Điểm nhấn của tác phẩm nằm ở các mảnh ốc xà cừ gắn vào viên ngọc trong miệng và thân rồng rồi phủ bóng, tạo sự mịn màng, lấp lánh sâu thẳm. Đây là kỹ thuật ít được áp dụng bởi xưa nay người ta thường chỉ khảm trai lên gỗ.

Diệu Linh có một niềm yêu thích mãnh liệt với mạch nguồn văn hóa dân gian, vì thế, “Lưỡng long tranh châu” và “Ông Sấm” khi ra mắt tại các triển lãm quốc tế đã gây tiếng vang trong giới thuộc da thế giới. Không dừng ở đó, Diệu Linh còn kết hợp với một bạn trẻ khác thử nghiệm việc đắp nổi họa tiết mây thời Lý - Trần lên mẫu giày “limited” (sản phẩm giới hạn) mang thương hiệu Oversole để xuất khẩu. “Tất cả những tác phẩm, dự án này tôi làm với một mong muốn là đưa văn hóa dân gian cũng như ngành thuộc da của Việt Nam ra thế giới, để bạn bè quốc tế biết rằng các ngành nghề thủ công của chúng ta không hề thua kém bất cứ quốc gia nào”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cô gái “vẽ” cả thế giới lên da

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.