(HNM) - Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đang là mối đe dọa lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi trên cả nước chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Ngành Thủy lợi cần làm gì để đủ năng lực
Chưa hoàn thành mục tiêu đề ra
Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Nguyễn Vũ Việt cho rằng, mục tiêu lớn nhất Chiến lược phát triển thủy lợi hướng tới là phát triển theo hướng hiện đại hóa, tăng dần mức cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ..., bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, hệ thống thủy lợi phải chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thích ứng với điều kiện BĐKH và nước biển dâng. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi của nước ta chưa đạt được kế hoạch đề ra. Cụ thể, tại vùng trung du miền núi phía Bắc, giai đoạn 2009- 2015, toàn vùng xây mới được 459 công trình và nâng cấp, sửa chữa được 720 công trình tưới tiêu các loại. “So với nhiệm vụ trong chiến lược đề ra, giai đoạn này mới thực hiện được 10%” - ông Việt cho biết.
Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ (Hà Nội) chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, các hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc Nam Hà... dù được quan tâm đầu tư, nhưng mức độ hiện đại hóa còn thấp. Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng: Để chủ động, bảo đảm tưới tiêu cho Hà Nội, một số công trình trọng điểm đã có kế hoạch xây dựng nhưng chậm so với tiến độ đề ra như dự án các trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Đông Mỹ, Liên Mạc,... Do vậy, hiện việc tiêu thoát nước của Hà Nội còn tiếp tục khó khăn và kéo dài.
Đáng ngại nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, riêng đối với vùng ngập lũ, đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13.000km, trong đó có 7.000km bờ bao chống lũ để bảo vệ lúa hè thu, ngoài ra còn hơn 200km đê bao giữ nước. Vùng đã triển khai nhiều hệ thống thủy lợi tiêu úng, kiểm soát lũ, ngăn mặn. Tuy nhiên, do tính đồng bộ chưa cao và bị xuống cấp theo thời gian nên hiệu quả tiêu úng, kiểm soát lũ, ngăn mặn tại nhiều khu vực vẫn chưa đạt yêu cầu. Đến nay, toàn vùng có 11/13 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000ha và 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Ngoài yếu tố do BĐKH, mạng lưới quan trắc chất lượng nước trong các hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, việc đo mặn vẫn thực hiện thủ công nên hiệu quả thấp. Đặc biệt việc giám sát, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về xả thải vào các sông, kênh rạch còn rất lỏng lẻo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Không chỉ Đồng bằng sông Hồng, các vùng Trung Bộ, Tây Nguyên..., mà đa số hệ thống thủy lợi của ta chưa ứng phó được với những diễn biến thời tiết, thiên tai. Nhiều tỉnh, thành phố chưa chú trọng vấn đề này nên đã bỏ qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy lợi.
Nâng cao năng lực hoạt động hệ thống thủy lợi
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Mục tiêu Chiến lược thủy lợi đến giai đoạn 2016-2020 đề ra là đủ năng lực ứng phó với thiên tai, BĐKH, bảo đảm an ninh nước quốc gia nhưng phải phù hợp với nguyên tắc quản lý tài nguyên nước, coi nước là hàng hóa và thủy lợi phải hướng tới phục vụ đa mục tiêu. Muốn vậy, Ngành Thủy lợi cần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học vào xây dựng, quản lý, vận hành kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình.
Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Nguyễn Tùng Phong cho rằng: Các tỉnh, thành phố cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về phân cấp công trình thủy lợi, tránh tình trạng nhiều đơn vị cùng quản lý gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các dịch vụ công Ngành Thủy lợi, đặc biệt là xã hội hóa đầu tư để huy động các nguồn lực cho phát triển thủy lợi. Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc xây dựng các công trình thủy lợi phải gắn với bảo vệ và duy tu, vậy nên, phải gắn trách nhiệm của người dân với nhà đầu tư, tạo cơ chế cho người nông dân có trách nhiệm cùng cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý các công trình thủy lợi.
Bên cạnh việc khắc phục những bất cập đã nêu, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Chiến lược Ngành Thủy lợi trong thời gian tới là nâng cấp, hoàn thiện, xây mới các công trình thủy lợi đối với từng vùng nên việc phát triển cũng phải gắn theo nhu cầu, đặc điểm từng vùng... Đặc biệt, chiến lược này phải xem xét trong bối cảnh BĐKH có diễn biến ngày càng phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.