Các nhà khoa học định nghĩa một hành tinh giống Trái đất sẽ có kích thước từ 3/4 đến một lần rưỡi quả địa cầu và quay quanh ngôi sao của nó trong 237-500 ngày.
Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania vừa xử lý dữ liệu từ kính viễn vọng Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và ước tính số lượng hành tinh giống Trái đất trong dải Ngân hà.
Kết quả cho thấy cứ mỗi ngôi sao như Mặt trời sẽ có xác suất 25% tồn tại một hành tinh giống Trái Đất quay quanh. Điều đó có nghĩa là có thể có tới 10 tỷ hành tinh giống Trái Đất trong thiên hà chúng ta.
Ước tính này là bước quan trọng trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Sự sống hoàn toàn có thể tồn tại ở các hành tinh có nước ở thể lỏng, giống như Trái đất.
Tối ưu chi phí nghiên cứu
"Chúng ta có thể biết chính xác nên tìm kiếm các hành tinh ở đâu, nhờ đó những khoản tiền đầu tư sẽ hiệu quả hơn”, giáo sư vật lý thiên văn Eric Ford, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nhóm của giáo sư Ford định nghĩa một hành tinh giống Trái đất sẽ có kích thước từ 3/4 đến một lần rưỡi phiên bản thật và quay quanh ngôi sao của nó trong 237-500 ngày.
Ước tính của các nhà nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA. Ra mắt vào năm 2009, kính viễn vọng này được sử dụng để tìm các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời. Kepler đã quan sát hơn 530.000 ngôi sao tính đến nay.
Dữ liệu thu được đã thay đổi sự hiểu biết của nhân loại về thiên hà. Kepler tìm thấy hơn 2.600 ngoại hành tinh, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc về sự đa dạng của các loại hành tinh. Kính viễn vọng cũng cho phép giới khoa học xác nhận sự tồn tại của nhiều ngoại hành tinh tương tự Trái đất.
Kepler "nghỉ hưu" vào năm ngoái sau khi hết nhiên liệu. Công việc săn tìm các hành tinh được chuyển giao cho Vệ tinh Khảo sát Exoplanet (TESS), được phóng lên vũ trụ vào tháng 4-2018.
Nhìn chung, Kepler cho thấy 20-50% ngôi sao có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm có các hành tinh giống Trái đất trong khu vực có thể ở được.
Các hành tinh có thể sinh sống
Nhưng nhóm của giáo sư Ford không muốn ước tính số lượng hành tinh giống Trái đất trong thiên hà chỉ dựa trên các ngoại hành tinh mà Kepler tìm thấy. Kepler thiên về tìm kiếm ngôi sao nhỏ, mờ, bằng khoảng 1/3 khối lượng Mặt trời của chúng ta.
Vì vậy, để ước tính có bao nhiêu hành tinh Kepler đã bỏ lỡ, các nhà nghiên cứu đã tạo ra hệ thống mô phỏng trên máy tính về những vũ trụ và hành tinh giả thuyết, dựa trên dữ liệu của Kepler và tàu vũ trụ Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Hệ thống mô phỏng sẽ cho cái nhìn về ngoại hành tinh trong mỗi vũ trụ giả thuyết mà Kepler phát hiện ra.
Sau đó, họ so sánh dữ liệu mô phỏng với những gì kính viễn vọng Kepler thực sự phát hiện được trong vũ trụ nhằm ước tính sự phong phú của các hành tinh có kích thước giống Trái đất, trong khu vực có thể ở của các ngôi sao giống như Mặt trời.
Bước tiếp theo trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh là nghiên cứu các hành tinh có khả năng sinh sống.
"Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm việc tìm kiếm dấu vết sinh học - những phân tử biểu thị sự sống - trong bầu khí quyển của hành tinh có kích thước gần bằng Trái đất", giáo sư Ford nói.
Ngay cả khi một hành tinh nằm trong vùng có thể ở được, nó vẫn cần bầu không khí đáng kể để giữ nhiệt độ nhằm duy trì nước lỏng trên bề mặt. Giới khoa học có thể tính toán thành phần bầu khí quyển của ngoại hành tinh bằng cách phân tích quang phổ của nó.
Như vậy, nếu có nhiều hành tinh giống Trái đất ở gần chúng ta, các nhà khoa học NASA sẽ nghiên cứu với kính viễn vọng nhỏ, rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu tất cả hành tinh giống Trái đất ở rất xa, NASA cần phải dựa vào kính viễn vọng xa hơn. Thông tin về các hành tinh này sẽ giúp tối ưu khoản đầu tư vào những dự án tìm kiếm hành tinh có sự sống.
"Một trong những điều quan trọng ở đây không chỉ đưa ra con số, mà còn hiểu được ý nghĩa của chúng nhằm đưa ra chiến lược khoa học vững chắc", giáo sư Ford cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.