Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có cơ sở để tách Luật Giao thông đường bộ

Hà Phong - Lý Thị Mai| 03/04/2022 07:42

(HNM) - Sau khi được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười, Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi theo hướng tách thành hai dự án luật, gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các ý kiến cho rằng, việc tách thành hai luật riêng là khả thi và có cơ sở lý luận, thực tiễn.

Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 góp phần giải quyết những bất cập về an toàn giao thông đang tồn tại hiện nay. Ảnh: Nguyễn Quang

Lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải... Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương Mai Ngọc Dương, nhiều vấn đề quan trọng của lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được quy định đầy đủ; chưa quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến thực hiện thiếu đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật nhưng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản dưới luật như đăng ký, cấp biển số xe, giải quyết tai nạn giao thông…

Nêu quan điểm từ năm 2009 đến 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chiếm hơn 95% số vụ, số người chết và người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; bên cạnh đó, các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường bộ cũng hết sức phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý gần 40.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự…, không ít ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu lớn nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông; Luật Đường bộ sẽ là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hai dự án luật này cần có sự phân định rành mạch về phạm vi điều chỉnh.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phân tích, việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ làm rõ ai là người chịu trách nhiệm trước những bất cập về an toàn giao thông đang tồn tại hiện nay. Việc tách luật đến nay "không cần bàn cãi nữa" nhưng điều quan trọng là khi tách phải chuẩn nhất, không bị trùng lẫn. Riêng về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, yêu cầu của Chính phủ là cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông Vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, ngành Giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam. Nếu thay đổi cơ quan quản lý sẽ phát sinh lãng phí lớn về đầu tư hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất. Nghiêm trọng hơn, hàng nghìn cán bộ, nhân viên (trong đó có 10% trình độ trên đại học, 70% trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật) thuộc Bộ Giao thông Vận tải mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ở hầu hết các nước trên thế giới đều giao cho ngành Giao thông Vận tải hoặc dân sự quản lý.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho biết, vẫn giữ nguyên quan điểm là tách luật để quản lý chuyên sâu hơn là cần, nhưng thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì không nhất thiết phải thay đổi. Bộ Công an hoàn toàn có thể góp phần làm hạn chế những vi phạm, tiêu cực (nếu có) trong khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực không phụ thuộc vào thay đổi thẩm quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có cơ sở để tách Luật Giao thông đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.