(HNM) - Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2013 của nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị về một số quy định "vênh" nhau giữa các văn bản.
Điển hình như trong Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường) cấp huyện. Còn trong Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định: Cơ chế "một cửa" là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước. Điều này làm cho bộ phận "một cửa" ở cấp huyện gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Đã có giai đoạn, một số phòng "một cửa" cấp huyện phải chia ra hai khu: "Một cửa" của UBND quận/huyện và "một cửa" của lĩnh vực tài nguyên và môi trường (mỗi khu thực hiện đúng theo quyết định ngành dọc của mình). Tuy nhiên, cách thực hiện này gây khó khăn cho cán bộ phụ trách bộ phận "một cửa" trong việc quản lý vì mỗi khu hoạt động theo chuyên môn riêng. Sau đó, để khắc phục tình trạng này, UBND nhiều tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện cơ chế "một cửa", trong đó yêu cầu bộ phận "một cửa" nhận tất cả các hồ sơ của mọi lĩnh vực nên các đơn vị phải thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện theo cơ chế "một cửa" vừa tạo được sự minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, công dân, vừa tránh lãng phí khi đã đầu tư xây dựng "một cửa" khang trang, hiện đại nên áp dụng với tất cả các thủ tục hành chính là cần thiết. Song, điều đáng nói là kiến nghị cần có văn bản pháp lý thống nhất về nội dung này để dễ thực hiện đã được các địa phương đề nghị hơn 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào ở cấp TƯ sửa đổi.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được triển khai mạnh ở tất cả các cơ quan hành chính. Qua đó, phát hiện khá nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung, thay thế. Vậy, vì sao một kiến nghị của nhiều đơn vị về cùng một vấn đề nêu ra từ nhiều năm đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.