Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế kiểm soát quyền lực, chế độ trách nhiệm công vụ cần sớm được hoàn thiện

Ánh Vương| 25/10/2015 06:25

(HNM) - Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.



Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua 18 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật khác; đồng thời, cũng dành thời gian tập trung thảo luận hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế nhằm tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.

Phải hoàn thiện chính sách, pháp luật

- Thưa ông, trong quá trình tham gia hội nhập với thế giới, đặc biệt là việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất thì việc đổi mới cơ chế chính sách của nước ta cho phù hợp với yêu cầu là vấn đề cấp thiết. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Nói về thể chế, cho đến nay chúng ta đã trải qua 5 bản Hiến pháp. Mỗi bản Hiến pháp đánh dấu một quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Quá trình đổi mới của nước ta cả về thể chế và kinh tế chuyển biến mạnh mẽ từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013, nhất là về mặt kinh tế khi chúng ta đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia nhiều tổ chức quốc tế song phương và đa phương. Sự hội nhập đòi hỏi quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế. Để phúc đáp yêu cầu khách quan đó, Quốc hội nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, XII, XIII đã khẩn trương hoàn thiện các thể chế, chính sách với một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, việc hoàn thiện các chính sách pháp luật phúc đáp yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng trở nên cấp thiết hơn trong điều kiện hội nhập. Đây là quá trình vừa làm, vừa tổng kết thực tiễn rút ra các bài học kinh nghiệm để hoạch định chính sách, bởi thể chế kinh tế của Nhà nước ta không có tiền lệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.


- Như vậy, với việc các văn bản pháp luật về kinh tế của Việt Nam liên tục được hoàn thiện, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới đã tạo nên hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện?

- Thời gian qua, Nhà nước đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý tương đối an toàn, ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; trong đó, đã tiếp cận đến những vấn đề của thế giới về các quy luật thị trường, nhất là hành chính thuế, tỷ giá, thị trường chứng khoán, lãi suất... và có những điều hành vĩ mô kịp thời, phúc đáp yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hài lòng với các định chế đã cải cách. Ví dụ như định chế kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như thế nào, không được nhầm lẫn giữa kinh tế nhà nước và DN nhà nước. Đó là hai phạm trù khác nhau để bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN. Quá trình Nhà nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường về thuế, đầu tư, vốn, thị trường, ngân hàng... là công việc rất khó khăn. Nghĩa là làm thế nào để phát triển một cách lành mạnh theo quy luật thị trường nhưng vẫn bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động.

- Ông có thể cho biết một số yêu cầu cơ bản trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực kinh tế trong kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII lần này?

- Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội, các cơ quan hữu quan đang cố gắng hoàn thiện chương trình làm luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong đó là việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là về kinh tế trong điều kiện hội nhập như Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật Kế toán, Bộ luật Dân sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế, Bộ luật Hàng hải sửa đổi... Điều này đòi hỏi lĩnh vực kinh tế phải bảo đảm hài hòa lợi ích của toàn dân, DN, Nhà nước và người lao động. Hiến pháp đã định hướng rất rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức, công dân về mặt lợi ích, trách nhiệm. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng thì vấn đề đặt ra cho đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách, pháp luật cũng như thực thi chính sách pháp luật vừa phải có tâm huyết, năng lực, trí tuệ vừa phải có trách nhiệm và vì cái chung của đất nước. Công tác hoạch định chính sách là công tác rất công phu, dày công, phản ánh thực tiễn khách quan, các quy luật của sự phát triển. Nếu chúng ta làm sơ sài, chiếu lệ, thiếu trách nhiệm thì chính sách, pháp luật đó sẽ không đi vào cuộc sống, không tạo động lực cho sự phát triển.

Tạo cơ chế cho sự phát triển

- Theo ông, những thách thức lớn nhất hiện nay khi chúng ta hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới là gì?

- Nhiều năm qua, trong các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội luôn đánh giá: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Đằng sau sự “chưa vững chắc” đó là cả một vấn đề lớn về sự cần thiết phải hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách, trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách và các giải pháp hoàn thiện nó. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên nhiều năm của WTO, thành viên của TPP với những khung pháp lý chung về kinh tế. Điều này thì không những đặt ra những thách thức rất lớn về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật mà còn là vấn đề con người. Con người ở đây là cả bộ máy nhà nước, DN và người dân. Cho dù chúng ta đã rất cố gắng nhưng chế độ trách nhiệm công vụ trong bộ máy nhà nước ở nhiều khâu vẫn chưa rõ; chế độ chính sách, sử dụng cán bộ vẫn mang tính cào bằng, chưa tạo động lực cho quá trình phát triển. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật của chúng ta vẫn chưa đồng bộ, thống nhất, còn có sơ hở, thiếu sót... để tiêu cực, tham nhũng phát sinh. Vấn đề này đang là rào cản của sự phát triển.

- Để thực thi các chính sách như trên rất cần sự đổi mới bộ máy quản lý nhà nước cho phù hợp với xu hướng chung. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, các cơ quan hành chính đã từng bước được củng cố, hoàn thiện trên các mặt. Từ năm 2001 đến 2010, công cuộc cải cách hành chính (CCHC) đã được triển khai và đang tiến hành CCHC giai đoạn năm 2011-2020. Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng công cuộc CCHC còn rất nhiều việc phải được khẩn trương hoàn thiện trên mọi phương diện về tổ chức bộ máy, biên chế, đội ngũ cán bộ, năng lực cơ chế xác định trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, từ việc đào tạo, tuyển dụng, quản lý, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm... đến khen thưởng, xử lý vi phạm. Đặc biệt, cơ chế để kiểm soát quyền lực và kiểm soát chế độ trách nhiệm trong nền công vụ chưa rõ cần phải được hoàn thiện ngay. Ở các nước phát triển, người ta có những thiết chế để cán bộ không dám, không muốn, không thể tiêu cực, tham nhũng. Trong nền công vụ hiện nay, chúng ta đang thiếu thiết chế đó hoặc có nhưng còn rất sơ khai, hiệu quả thấp.

- Vậy chúng ta phải xây dựng chính sách pháp luật như thế nào để tạo động lực cho sự phát triển?

- Theo tôi, Nhà nước ta cần phải có chiến lược về công tác cán bộ mang tính thực chất, sát thực tiễn, bảo đảm hiệu quả toàn diện trên tất cả các mặt; sau đó cần sửa đổi, hoàn thiện những văn bản pháp luật có liên quan. Bên cạnh luật về công chức, viên chức, Bộ luật Lao động cần có luật về trách nhiệm công vụ, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị người đứng đầu, từng vị trí công tác... Đồng thời, cần sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tăng cường kỷ cương trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là những việc liên quan đến thực thi công vụ, mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, công dân. Đi đôi với đó là phải có sự đánh giá, quản lý, quy hoạch sử dụng cán bộ một cách linh hoạt, tránh cào bằng về độ tuổi, chế độ, chính sách và tất cả mọi hoạt động trong bộ máy nhà nước cần phải công khai, minh bạch nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hạn chế tiêu cực. Tôi cho rằng, điều mà người dân kỳ vọng nhất là làm sao có một cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm được những người có năng lực, có đức, có tài, có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước. Trong đó, việc đầu tiên là thắt chặt hơn nữa về kỷ cương của nền công vụ, xác định rõ hơn trách nhiệm của từng vị trí công tác; các quy định pháp luật phải đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hoàn thiện sẽ tạo động lực cho sự phát triển.

Thiết lập hàng rào kỹ thuật

- Trong quá trình hội nhập, các quốc gia khác có thể ngay lập tức dựng lên hàng rào pháp lý nhằm bảo vệ thị trường nội địa, còn Việt Nam không dễ thực hiện do hạn chế về năng lực. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Việc các nước xây dựng khung pháp lý để bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng như quyền của người tiêu dùng là một yêu cầu khách quan trên cơ sở chủ quyền quốc gia của mỗi nước. Việc hoạch định chính sách trong quá trình hội nhập để bảo vệ sản xuất trong nước như thế nào là vấn đề lớn. Tôi cho rằng, không thể bảo hộ bằng mệnh lệnh hành chính mà việc bảo hộ phải phù hợp với yêu cầu khách quan của sự hội nhập. Việc hội nhập và bảo hộ ra sao là một thách thức không nhỏ cho cả bộ máy nhà nước, các DN và người dân khi năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của chúng ta đang ở mức đáng báo động, chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, 1/6 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan. Việt Nam tham gia vào “sân chơi” lớn, có nhiều cơ hội lớn trong phát triển kinh tế, song cũng vô vàn khó khăn, thách thức cần phải được nhận thức một cách thật khách quan, toàn diện thì mới có các giải pháp phù hợp để phát triển.

- Để ứng phó “cơn lốc” hàng hóa với thuế suất ưu đãi từ các nước tràn vào thị trường Việt Nam thì chúng ta cần phải có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hoạt động nhập khẩu như thế nào, thưa ông?

- Rào cản kỹ thuật về mặt pháp lý đương nhiên là nước nào cũng có. Chúng ta thấy, Nhật Bản, Mỹ bảo hộ nông nghiệp nhưng không phải bằng trợ cấp từ ngân sách của Nhà nước, vì WTO hay TPP đều cấm, mà là bảo hộ thông qua các chính sách. Việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước là cần thiết. Về vấn đề này, chắc là Quốc hội khóa XIV tiếp tục hoàn thiện các hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về kinh tế, theo đó cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, điều quan trọng nhất là không tạo ra những “cơn sốc”. Vì vậy, tất cả những chính sách tiếp cận với yêu cầu mới đều là phải có lộ trình và bước đi phù hợp.

- Hiện nay, nhiều DN Việt Nam còn thiếu hiểu biết về các quy chuẩn kỹ thuật khắt khe cũng như pháp luật của các nước đối tác. Do vậy, chúng ta cần phải áp dụng những biện pháp gì để không bị thua trên “sân nhà”?

- Hiện nay, các DN Việt chưa quan tâm đúng mức những vấn đề pháp lý, nhưng khi hội nhập chỉ một câu chữ không chặt chẽ trong các hợp đồng cũng phải trả giá đắt. Quá trình hợp tác kinh doanh trên thị trường thế giới đòi hỏi DN cần phải chặt chẽ về mặt pháp lý nhưng hiện nay các DN của chúng ta rất hổng vấn đề này. Vì vậy, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách trong việc nâng cao nhận thức hoặc hỗ trợ về mặt pháp lý cho các DN trong quá trình hội nhập, nếu không sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của DN khi sử dụng các dịch vụ pháp lý trong hợp tác đầu tư, giao dịch, làm ăn với nước ngoài. Việc trợ giúp pháp lý để các DN làm việc với các cơ quan tố tụng nước ngoài khi đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, cần chủ động và có biện pháp đáp trả kịp thời phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế trong trường hợp các nước đối tác có hành vi không thực hiện đúng những cam kết với WTO hoặc các thỏa thuận thương mại đã ký kết với Việt Nam.

- Cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế kiểm soát quyền lực, chế độ trách nhiệm công vụ cần sớm được hoàn thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.