(HNM) - Trong quá trình tham gia hoạt động, nhiều đại biểu nữ bằng tâm huyết và trí tuệ của mình đã khẳng định được vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, địa phương, tỷ lệ và chất lượng đại biểu nữ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Xác định việc nâng cao tỷ lệ và chất lượng nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP Hà Nội và Hội LHPN thành phố đã tổ chức buổi tọa đàm "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp". Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông Nguyễn Thị Hảo cho rằng, đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, điều đầu tiên là cần bảo đảm chất lượng của nữ ứng cử viên. Do vậy, các cấp, các ngành cần xem xét kỹ, lựa chọn giới thiệu những đại biểu nữ đủ tiêu chuẩn, có uy tín tham gia ứng cử. Để tăng tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, ngoài sự quan tâm của các cơ quan chức năng thì ứng cử viên nữ phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội, cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết.
Pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà cho biết: "Quận ủy Thanh Xuân luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tham gia hệ thống chính trị ngay từ khâu rà soát, quy hoạch, giới thiệu và đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt của quận tham gia cấp ủy và HĐND được thực hiện theo đúng quy định. Đối với nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ các nữ ứng viên đại biểu HĐND quận Thanh Xuân qua hiệp thương lần hai cấp phường chiếm 49% (293/600), cấp quận là 53% (42/79). Tuy nhiên, vẫn cần có giải pháp thật cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tỷ lệ nữ vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương".
Việc nâng cao chất lượng và số lượng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là một nhiệm vụ được Hội LHPN TP Hà Nội rất quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Tuyết cho biết, lãnh đạo hội đề nghị các cấp hội chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các ứng cử viên nữ về kỹ năng trình bày, thuyết trình, xây dựng hình ảnh trước công chúng, xây dựng chương trình hành động trước cử tri; tổ chức hội thảo, tọa đàm, tư vấn, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm giữa các lãnh đạo nữ... Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông cũng kiến nghị, bên cạnh việc hỗ trợ cụ thể để nữ ứng cử viên có kỹ năng xây dựng chương trình hành động chuẩn bị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Hội LHPN các cấp cũng cần tích cực tuyên truyền về những khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng tại các cơ quan dân cử, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện quyền bình đẳng giới...
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã đưa ra chỉ tiêu cụ thể là bảo đảm có ít nhất 35% trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ. Cơ cấu gắn liền với chất lượng đại biểu, do vậy yêu cầu tiên quyết đặt ra là bảo đảm chất lượng của ứng cử viên là nữ. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là tổ chức Hội LHPN thì rất cần sự cố gắng vươn lên của chính mỗi chị em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.