Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ cấu lên, xuống hạng đều “nóng”

Vĩnh Nguyên| 15/10/2010 07:04

(HNM) - Đây là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất ở mùa giải 2009-2010, xuất phát từ quy định về cơ cấu số lượng các CLB được quyền lên, xuống hạng giữa Giải VĐQG (V.League) và Giải hạng Nhất quốc gia của LĐBĐ Việt Nam (VFF).

CLB tự thảo luận để xác định cơ cấu lên - xuống hạng

Tại hội nghị tổng kết mùa giải của VFF diễn ra vào ngày 14-10, VFF đã một lần nữa mang vấn đề trên ra để lấy ý kiến thống nhất của các CLB. TTK VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "Rút kinh nghiệm mùa giải 2010, do nhiều CLB chưa nắm được quy chế và điều lệ giải nên đã gây nên những hiểu nhầm không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín của VFF cũng như Ban tổ chức (BTC) các giải đấu, chúng tôi quyết định để các CLB tự thảo luận với nhau để xác định cơ cấu lên - xuống hạng giữa hai hạng". Điểm khác biệt so với năm trước, theo ông Tuấn, là do các CLB V.League đều là chuyên nghiệp, nên cơ cấu trên chỉ còn phụ thuộc vào số lượng các CLB chuyên nghiệp ở Giải hạng Nhất. Cụ thể, hiện tại hạng Nhất

có 8 CLB chuyên nghiệp. Trong trường hợp ở mùa giải 2011, số lượng CLB chuyên nghiệp ở Giải hạng Nhất là 9 đội trở xuống, hạng Nhất sẽ có 1,5 suất thăng hạng (1 lên hạng trực tiếp, 1 đá play-off); từ 10 đến 12 CLB chuyên nghiệp, sẽ có 2 suất thăng hạng trực tiếp; từ 13 đến 14 CLB chuyên nghiệp, sẽ có 2,5 suất thăng hạng (2 suất thăng hạng trực tiếp, 1 suất đá play-off).

Cũng phải tốn rất nhiều thời gian, các CLB mới thống nhất được phương án trên. Về thời hạn đăng ký chuyên nghiệp, ông Tuấn cho biết, đã được ấn định vào ngày 31-7, tức sớm hơn 1 tháng so với thời hạn cũ (31-8).

Nhập nhèm chuyển nhượng cầu thủ

Một "thay đổi" khá bất ngờ trong hội nghị tổng kết năm nay là việc VFF tiến hành "họp kín", không mời đại diện các cơ quan truyền thông tham dự như mọi năm. Chính vì thế, nội dung hội nghị "nóng, lạnh" thế nào, thậm chí cả việc vinh danh các trọng tài vừa đoạt giải trong cuộc bầu chọn danh hiệu “Chiếc còi vàng” và “Cây cờ vàng” cũng diễn ra trong vòng khép kín. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại hội nghị, VFF đã rút ra khá nhiều kết luận đáng chú ý về mùa giải 2010. Nổi bật là vấn đề chuyển nhượng cầu thủ, tập trung vào thị trường chuyển nhượng nội binh. Theo đánh giá của VFF, thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam (BĐVN) còn thiếu minh bạch, với rất nhiều biểu hiện khác nhau. Ở đây, có thể hiểu VFF đề cập đến vấn nạn "đi đêm" giữa các CLB với cầu thủ. Nguyên nhân xuất phát từ khoản tiền "lót tay" khi ký hợp đồng mới mà cầu thủ được hưởng. Theo BTC VFF, rất nhiều cầu thủ đã bằng nhiều cách khác nhau, như cố tình chơi kém để gây áp lực lên CLB, đòi ra đi. Chi phí chuyển nhượng ở mùa giải 2010, theo thống kê của VFF, lên tới hơn 80 tỷ đồng. Riêng nội binh là gần 41 tỷ đồng. Dẫn đầu thị trường chuyển nhượng là Xi măng The Vissai Ninh Bình, với 20 tỷ đồng chi cho việc chiêu mộ cầu thủ. Kém hơn 1 tỷ, XM.HP xếp thứ 2. Được biết, VFF đã lên phương án để các CLB bàn bạc với nhau, nhằm đi đến một sự thống nhất chung, qua đó hạn chế các yếu tố tiêu cực trong quá trình ký kết hợp đồng với các cầu thủ.

Và các điểm mới

Theo Phó Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi, kể từ mùa giải 2011, các CLB phải sớm hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu. Tất cả các sân đều phải có dàn đèn chiếu sáng hoặc nếu không, buộc phải thi đấu ở sân khác. Số lượng ngoại binh cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ở V.League, mỗi CLB chỉ được đăng ký 4 ngoại binh, ra sân thi đấu 3 (trước là đăng ký 5). Ở hạng Nhất vẫn giữ nguyên, đăng ký 3, được ra sân 2, Cúp Quốc gia đăng ký 3, thi đấu 3. Thời gian diễn ra trận đấu cũng được điều chỉnh: trận sớm nhất diễn ra lúc 16h, trận muộn nhất có thể được tổ chức vào 19h45, nhằm tăng lượng khán giả theo dõi mỗi trận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lên, xuống hạng đều “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.