Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có bảo đảm cơ cấu cứng?

Hải Hà| 19/02/2011 07:17

(HNM) - Chỉ còn khoảng 100 ngày nữa, lần đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử ĐB HĐND sẽ được tiến hành cùng một lúc (chủ nhật, ngày 22-5). Đến nay công tác chuẩn bị đã xong giai đoạn đầu, gồm phổ biến Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử; hướng dẫn kê khai tài sản người ứng cử và các văn bản liên quan…


Bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa.   Ảnh: Nguyệt Ánh


Theo Ủy ban Pháp luật của QH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày. Theo đó, chỉ có một cơ quan đầu mối lo việc bầu cử cả nước là Hội đồng Bầu cử TƯ. Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của cả Ủy ban Bầu cử ĐBQH và Hội đồng Bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định, việc bầu cử "2 trong 1" sẽ tiết kiệm tiền bạc, công sức và thời gian của người dân, Nhà nước. Theo Quyết định số 215 ngày 16-2 của Thủ tướng Chính phủ, thành phần ĐB HĐND sẽ phải bảo đảm cơ cấu hợp lý về số ĐB là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Mặt khác, phải có tỷ lệ hợp lý các ĐB người dân tộc thiểu số, ĐB nữ, ĐB trẻ tuổi, ĐB là trí thức, tôn giáo, ĐB xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế. Với ĐB dưới 35 tuổi, định hướng đạt tỷ lệ không dưới 15%. Về cơ cấu ĐB là phụ nữ, định hướng đạt tỷ lệ chung khoảng 30%. Riêng cơ cấu ĐB là người ngoài Đảng, tỷ lệ không dưới 10%.

Mở rộng và dân chủ

Rút kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước đây thường xảy ra việc kê khai tiểu sử tóm tắt và danh sách trích ngang của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử thực hiện không thống nhất ở mỗi nơi, nên gặp khó khăn nhất định trong khâu chuẩn bị của UB MTTQ - cấp tổ chức hiệp thương. Để tránh điều đó, lần này bổ sung quy định thời hạn Hội đồng Bầu cử, Ủy ban Bầu cử gửi tiểu sử tóm tắt, danh sách trích ngang, kê khai tài sản của những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu đến Ban Thường trực UB MTTQ cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương, chậm nhất là ngày 20-3.

Đối với việc ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND của đảng viên, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Văn Quynh cho biết, những đảng viên tự ứng cử phải được sự đồng ý của tổ chức Đảng. Trường hợp đảng viên được MTTQ và các đoàn thể giới thiệu thì bản thân người đó có quyền đồng ý hoặc không đồng ý tham gia ứng cử mà không bị coi là vi phạm các điều cấm của Đảng. ĐBQH chuyên trách thì phải bảo đảm các điều kiện: cán bộ công tác tại TƯ phải là những người đã hoặc đang giữ các chức vụ tương đương vụ trưởng; nếu là ĐB quân đội hoặc CA phải có quân hàm từ thiếu tướng trở lên. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người ứng cử, MTTQ Việt Nam quy định, người tự ứng cử ĐBQH vì lý do sức khỏe, lý do công tác hoặc lý do chính đáng khác mà không đến dự hội nghị lấy ý kiến cử tri được thì ủy quyền cho người đại diện của mình đến dự. Người được ủy quyền có quyền phát biểu ý kiến tại hội nghị này.

Khó bảo đảm cơ cấu cứng

Khẳng định các quy định liên quan đến bầu cử đều là chủ trương mở nhưng nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng một số nội dung chưa khả khi. "Tôi lấy ví dụ ở những tỉnh được bầu 4 ĐBQH thì đương nhiên phải có 2 lãnh đạo ở tỉnh tham gia, hai vị trí còn lại vừa phải bảo đảm là nữ, trẻ tuổi, dân tộc ít người thì khó quá. Chúng ta nhấn mạnh rằng cần có những ĐB có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động QH mà áp cơ cấu cứng dạng ''3 trong 1'' như vậy thì quả là khó cho địa phương" - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp cho rằng, yêu cầu tỷ lệ người ứng cử ĐB HĐND làm ở các cơ quan hành chính cần hướng dẫn cụ thể, quy định rõ bao nhiêu người tham gia HĐND. Đối với những tỉnh thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường như Nam Định, ông Tiệp kiến nghị, tăng số lượng phó ban chuyên trách của HĐND tỉnh.

Giám đốc Sở Nội vụ Lào Cai Lê Quang Tuyến khẳng định, khó thực hiện quy định tỷ lệ ĐB ngoài Đảng. Ngoài ra, đối với ứng cử viên ĐBQH do TƯ gửi về địa phương, nếu thông báo quá muộn, địa phương khó xác định cơ cấu vì liên quan đến đại biểu người dân tộc, ĐB nữ, lãnh đạo địa phương tham gia. Ông Tuyến cũng kiến nghị cho phép tăng số phó ban chuyên trách của HĐND tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, một bất cập nữa kỳ bầu cử nào cũng xảy ra nhưng chưa thấy chế tài quản lý. Đó là, quy định hiện nay rất rõ là mỗi người chỉ được bỏ một phiếu. Nhưng thực tế, tình trạng một người bỏ 2-3 phiếu cho người thân vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Bà Huyền kiến nghị: "Cơ quan chức năng cần đề ra phương án giám sát, không nên xem tỷ lệ đi bầu cao, bầu sớm là thành tích để khen thưởng. Có như thế cấp địa phương mới bớt bệnh thành tích".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có bảo đảm cơ cấu cứng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.