LTS: Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ trong hai ngày 30-9 và 1-10. Đánh giá tổng thể về kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia lần đầu được tổ chức là vấn đề được dư luận dõi theo
LTS: Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ trong hai ngày 30-9 và 1-10. Đánh giá tổng thể về kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia lần đầu được tổ chức là vấn đề được dư luận dõi theo. Đến thời điểm này, khi những khen, chê mang nhiều cảm tính đã lắng xuống, những mặt được cũng như điều còn hạn chế của kỳ thi được chỉ ra một cách khách quan sẽ mang lại niềm tin cho không chỉ những người trong ngành Giáo dục - Đào tạo, mà còn cho toàn xã hội. Đánh giá tổng thể kỳ thi năm nay cũng là để nhìn ra những giải pháp thực tế và khả thi nhằm hoàn thiện phương thức thi, tuyển sinh đã được "thai nghén" từ hàng chục năm trước.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã góp phần giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, thí sinh và xã hội. Ảnh: Viết Thành |
Bài 1: Xóa đi những nghi ngờ
Trong suốt cả năm trời, khi Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, dư luận xã hội luôn đặt sự nghi ngờ về độ tin cậy của kỳ thi. Đến nay, kết quả thi đã xua tan những băn khoăn, lo lắng ấy bởi tỷ lệ tốt nghiệp cùng phổ điểm có sự tương thích với trình độ phát triển về kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền, địa phương - cơ sở làm nên các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đề thi phân hóa
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức trong 4 ngày đầu tháng 7 tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì và 61 cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì). Có 1.005.626 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); trong đó, có 728.830 thí sinh (chiếm hơn 72%) thi tại cụm thi do trường ĐH phụ trách và 276.796 thí sinh (chiếm gần 28%) thi tại cụm thi do sở GD-ĐT phụ trách.
Trước kỳ thi, điều dư luận băn khoăn là với một kỳ thi có 2 mục đích, đề thi có bảo đảm được sự phân hóa để tỷ lệ tốt nghiệp không có biến động nhiều so với mọi năm mà vẫn tuyển được học sinh giỏi vào các trường ĐH. Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đề thi đã được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện. Đề thi có phần kiến thức cơ bản để đáp ứng đánh giá tốt nghiệp, đồng thời có độ phân hóa cao để phục vụ cho mục đích tuyển sinh, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao. Những đổi mới về đề thi như trên đã dẫn đến kết quả phổ điểm của các môn thi có sự phân hóa phù hợp với năng lực của thí sinh. Phổ điểm phân bố đều và rộng từ điểm 1 đến điểm 10 nhưng số học sinh đạt điểm 10 và điểm cao năm nay ít hơn so với các năm trước. Ở mỗi môn thi đều thấy đa số là học sinh (HS) điểm trung bình, những HS điểm thấp và HS điểm cao hơn ít dần đi. Ví dụ, ở môn toán, phổ điểm 5-7,5 là phổ biến. Cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là 3.152. Đối với môn văn có 11 thí sinh đạt điểm 10, phổ điểm từ 4 đến 7 điểm. Phổ điểm chủ yếu của môn vật lý dao động trong phạm vi 4-7 điểm, đỉnh là 6 điểm. Cả nước chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10 môn vật lý và 1.403 thí sinh đạt mức điểm 9,0 điểm. Môn hóa học, cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, vùng phổ điểm chủ yếu rơi vào trong khoảng 5-7 điểm. Điều này đánh giá được trình độ HS và tạo điều kiện cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ được thuận lợi.
Đánh giá sát thực tế
Trên phạm vi cả nước, có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71% (năm 2014, tỷ lệ này là 99,02%); trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục THPT là 93,57%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên là 69,92% (năm 2014, tỷ lệ này tương ứng là 98,07% và 89,01%). Điều này phản ánh đúng thực tế, bởi kỳ thi năm nay có hai mục đích nên từ việc coi thi, chấm thi cho đến chuyện "giúp đỡ" nhau trong phòng thi giữa các thí sinh cũng đã có chuyển biến tích cực hơn.
Trước kỳ thi, dư luận băn khoăn về mức độ nghiêm túc trong coi thi của 2 loại cụm do các trường ĐH chủ trì và do các Sở GD-ĐT chủ trì. Kết quả thực tế đã giải tỏa băn khoăn này. Bởi các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện bảo đảm chất lượng tốt hơn có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn; tỷ lệ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn so với miền núi; tỷ lệ tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì cao hơn ở cụm thi tỉnh do Sở GD-ĐT chủ trì; tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn giáo dục thường xuyên. Kết quả thi của cụm thi do các trường ĐH chịu trách nhiệm cao hơn cũng đã phản ánh đúng thực tế, bởi thí sinh dự thi ở cụm này có mục đích xét tuyển ĐH và học khá hơn.
Kết quả thi năm 2015 bảo đảm tính khách quan, công bằng, có độ tin cậy cao hơn so với các năm trước đã khiến dư luận yên lòng với những lợi ích mà kỳ thi mang lại. Đó là giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội khi từ 4 đợt thi (năm 2014 về trước) nay chỉ còn 1 đợt; thời gian thi trước đây tối đa 9 ngày, nay tối đa 4 ngày; thay cho việc phải về thi tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ, nay được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận. Áp lực thi đã giảm đi nhiều khi trước đây phải thi từ 7 đến 13 lượt môn thi, nay thí sinh chỉ cần dự thi 4 hoặc 5 môn thi là đã có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành.
Việc thí sinh có quyền lựa chọn môn thi để tổ hợp thành các khối thi theo yêu cầu xét tuyển của từng trường đã chấm dứt cảnh cứ gần đến mùa thi là cả thầy lẫn trò đều hồi hộp chờ đợi môn thi tốt nghiệp để dồn sức cho môn phải thi và vứt bỏ những môn nằm ngoài danh sách. Đổi mới thi đã tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.