Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện “xướng ca vô loài” xưa

Nguyễn Ngọc Tiến| 25/01/2015 05:47

(HNM) - Nho giáo trở thành quốc giáo từ cuối đời nhà Trần và đạt cực thịnh vào thời nhà Lê, theo quan niệm của hệ tư tưởng này, xã hội phong kiến khi đó chỉ có bốn nghề, theo thứ tự là

Những trò hát xướng xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ thứ III, thời thuộc Ngô. Sách Tam Quốc chí, Ngô thư (quyển 8) Truyện Tiết Tổng chép: “Thái thú Cửu Chân (vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh) là Đan Manh vì bố vợ là Chu Kim làm chủ tiệc rượu mời quan lại. Khi rượu đã say tấu nhạc làm vui. Công tào là Phan Hâm đứng lên múa kéo Kim đứng dậy cùng múa”. Đời nhà Đinh, người hát chèo nổi danh trên đất Thăng Long sau được tôn là tổ sư của hát chèo là bà Phạm Thị Trân. Đến nhà Lý thì chèo, tuồng, hai loại hình diễn xướng đã phát triển và người có công phổ biến rộng rãi các trò chơi, diễn xướng là vua Lý Thái Tông (1066-1128). Nhà vua cho mở rộng và nâng cao múa rối nước, rối cạn, làm sân khấu “Rùa vàng” dưới sông và bờ đê sông Nhị cho dân xem. Vua còn bày đèn “Hội quảng chiếu mùa xuân”, dựng “Đài chuông tiên mùa thu”, dựng “Vũ đình” trên xe đẩy cho cung nữ, ca công múa hát, tấu nhạc ở trên, trong cung đình, ngoài cửa thành trên sân chùa để vua quan và dân chúng cùng thưởng. Lý Nhân Tông cũng rất am hiểu nhạc Chiêm Thành, nhạc Trung Hoa, vua tự soạn cả khúc nhạc nên có thể gọi là nhạc sĩ. Từ thời Đinh đến Lý diễn xướng được thiên thời địa lợi nhân hòa nhưng đến gần cuối đời Trần, Đại Việt có chữ viết, có chủ quyền nhưng hát xướng bị coi rẻ khi các ông vua lấy Nho học làm quốc giáo, lấy tư tưởng Nho làm tư tưởng chính thống, coi thường các sáng tạo dân gian.

Một trò hát xướng xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ thứ III. Ảnh tư liệu


Việt sử thông giám cương mục chép: “Thời nhà Trần đời vua Dụ Tông năm thứ 12 (1369) có người anh cả là Cung Túc Vương Nguyên Dục khi xem vợ chồng người phường chèo tên là Dương Khương diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, Nguyên Dục mê vợ Dương Khương trẻ đẹp hát hay cưỡng ép làm vợ trong khi nàng đang mang thai. Sau khi nàng sinh con trai đã nhận đứa bé là con mình đặt tên là Trần Nhật Lễ”. Hoàng thân quốc thích ắt có quyền nhưng đến mức lấy vợ con hát khi đang mang thai, tước quyền làm bố của con dân thì quá đáng hết chỗ nói. Đến triều Lê, các vị vua đối xử với con hát còn tệ hơn, theo Đại việt sử ký toàn thư, năm 1462 vua Lê Thánh Tông quy định: “Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch ngụy quan, có tiếng xấu bản thân và con cháu không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người khác làm hộ thì trị tội theo luật”. Lê Thánh Tông đưa ra 24 huấn điều, theo Việt sử thông giám cương mục điều 1 ghi: “Cha mẹ dạy con phải đúng khuôn phép hợp với lẽ phải: Con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được buông tuồng đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng để hại đến phong tục”, điều 16 ghi: “Khi hát chèo, lúc hội hè trai gái đến chơi xem không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô”, đúng với quan niệm Nho giáo “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tuy nhiên, huấn điều chưa thể khống chế được dân gian, ít lâu sau Lê Thánh Tông lại ban sắc lệnh, Việt sử thông giám cương mục chép: “Phàm ai là người lương thiện mới chuẩn ý cho nộp thóc và trao cho quan tước, nếu là kẻ ác nghịch, trộm cướp, xui Nguyên, giục Bị, hào cường ngỗ ngược và phường chèo con hát thì bản thân họ và con cháu họ không được dự”. Không chỉ huấn điều, sắc lệnh mà ngay trong Lê triều hình luật cũng quy định: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý, quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị phạt đánh 70 trượng và biếm ba tư, con cháu nhà quan chức lấy con gái nhà xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt ly dị”.

Vì những quan điểm khắt khe ấy mà Đào Duy Từ (1572-1634) có cha làm nghề ca hát, nên không được thi dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Cùng đường bí lối, ông bỏ vào Nam gây dựng sự nghiệp. Nhận ra ông là nhân tài nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã trọng dụng, phong tước Lộc Khê Hầu; được vua Minh Mạng truy tặng là bậc khai quốc công thần, cho thờ tại Thái Miếu. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Từ khi bà Trương Quốc mẫu là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tần Quang Vương sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương), Biện trưởng cung sau lại đắc sủng với Nhân Vương nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển loạn cũng thường có dòng họ hát xướng mà phát đạt lên nên những kẻ sĩ phu cũng giao du tự nhiên và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình từ đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác”. Đến triều Nguyễn, Nho học như ngọn đèn cạn dầu trước gió, các triều vua không cấm hát xướng trong dân chúng, coi là một nghề nhưng chỉ để mua vui cho thiên hạ. Thân phận con hát đáng thương và bi kịch qua bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du:

Người đẹp Long Thành
Họ tên không được biết
Riêng thạo đàn Nguyễn (Nguyệt - PV) cầm
Dân trong thành gọi nàng là cô Cầm
Gãy khúc “Cung phụng” từ triều vua xưa
Một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian…


Nguyễn Du mượn thân phận con hát để nói sự thối nát, sa đọa của triều Nguyễn. Nhưng vì sao nhà Lê lại ghét con hát? Trong một bài viết, nhà nghiên cứu và biên khảo văn hóa dân gian Toan Ánh cho rằng vì diễn xướng có khi cha lại đóng con, con lại đóng vai cha hay vợ đóng vai mẹ, mọi thứ lộn tùng phèo nên bị ghét và coi rẻ. Nhận định xem ra chưa thấu đáo vì vua quan là tầng lớp có học và họ thừa biết đó chỉ là chuyện trên sân khấu. Thực chất họ sợ sức mạnh của diễn xướng, nhất là chèo vì từ khi ra đời cho đến nay, chèo luôn là vũ khí sắc bén châm chọc đám quan lại ngu dốt, chống lại những thói hư tật xấu trong xã hội thông qua các câu hát đầy ẩn dụ và đặc biệt là các vai hề. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê theo nhã nhạc, phẩm phục, tang lễ… Trung Hoa nên cấm các điệu dân gian Lý Liên (Thanh Hóa gọi là Rí Ren), Lê Thánh Tông đã đuổi chèo ra khỏi cung đình vì “hay châm biếm người khác”.

Từ khi Pháp chiếm Hà Nội, và Hà Nội là thành phố nhượng địa năm 1888 thì vị trí con hát trong xã hội khác trước rất nhiều, tuy nhiên quan niệm vốn đã cắm rễ trong dân chúng không dễ gột bỏ. Những năm 30 thế kỷ XX, Hà Nội có nhiều rạp hát và hai rạp Sán Nhiên Đài (phố Đào Duy Từ) và Quảng Lạc (phố Tạ Hiện) thường diễn chèo, tuồng và cải lương. Dù hát hay, diễn giỏi nhưng họ vẫn bị gọi là thằng, là con chả khác con sen, thằng xe: “Tẩu mã Tư Lung, hồi hùng Ba Tý, hát lý con Liên, đóng điên con Chín, thằng Tín pha trò, thằng Giò Tào Tháo”. Hay như Tản Đà, người nổi danh trong Nam ngoài Bắc nhưng cũng không thể tha thứ cho mẹ và em gái là đào hát. Trong bài Người ghét Tản Đà (in trong Tản Đà về tác giả và tác phẩm), nhà văn Vũ Bằng viết: “Thân sinh ra Tản Đà tên là Nguyễn Danh Kế, làm tri huyện Nam Xương, rồi thăng lên làm tri phủ Xuân Trường (Lý Nhân), án sát Ninh Bình, ngự sử trong Kinh. Lúc làm tri phủ, cụ ra vào ca viện ở phố Hàng Thao, có gặp một cô đào hát hay đàn giỏi, lại có tài thơ văn phú lục. Cô ấy là đào Nghiêm. Cụ Nguyễn Danh Kế lấy đào Nghiêm về làm vợ ba, tức là “cô phủ Ba”. Nguyễn Khắc Hiếu là con bà ba này. Lúc Nguyễn Khắc Hiếu còn nhỏ, bà mẹ đã nổi tiếng là một nữ sĩ thơ hay, thường hay xướng họa với nữ sĩ Nhàn Khanh… Đến khi cụ Nguyễn Danh Kế tạ thế, cô phủ ba bỏ nhà, trở lại bình khang, để Nguyễn Khắc Hiếu lại cho bà cả và bà hai nuôi, chỉ đem theo người con gái, em ruột Nguyễn Khắc Hiếu tên là cô Trang”. Điều này làm Tản Đà đau đớn, phần vì cho như thế là mẹ mình có tội với danh giá, phần vì bị các anh em mỉa mai, vì em gái thi sĩ bị xếp vào loại xướng ca vô loài. Giận mẹ cho đến khi mẹ mất, ông vẫn không chịu nhìn mặt. Phó bảng Trần Tấn Bình đã làm bài thơ mỉa mai bà Nghiêm và cô Trang.

Ngày nay dù ca sĩ, diễn viên là một nghề, xã hội đã có quan niệm cởi mở hơn, nhưng “xướng ca” vẫn đeo đẳng trong tâm thức nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện “xướng ca vô loài” xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.