(HNM) - Trong giới chơi đồ cổ Hà thành, nhắc đến tên Dũng Trường, ắt hẳn nhiều người biết. Ban đầu chỉ là thú vui sưu tầm đồ cổ, thế rồi với sự đam mê và kinh nghiệm có được trong nhìn nhận, đánh giá đồ cổ, anh Dũng Trường (tên thật là Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1973, ở khu làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông) còn làm giàu từ chính thú chơi này.
Từ một thú chơi...
Từ lâu, sưu tầm đồ cổ đã được một số người đam mê, xem đó là thú chơi tao nhã. Với anh Dũng Trường cũng vậy, thú vui này đến rất tình cờ, song căn bản là từ sự hoài niệm, trân trọng về các đồ vật, giá trị nghệ thuật của thời xưa cũ; niềm say mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử. Anh Dũng Trường chia sẻ: "Hồi nhỏ, gia đình không có điều kiện, tôi thường hay sang nhà hàng xóm chơi và rất ấn tượng khi được nghe những bản nhạc du dương từ chiếc đài Sharp GF-777 chạy băng cát xét; những giai điệu ngân nga vang lên từ chiếc đồng hồ treo tường ODO 54 lúc điểm giờ... để rồi cứ thích thú ngắm nghía, mơ ước có ngày được sở hữu...".
Lớn lên, khi có điều kiện hơn, vẫn đau đáu nhớ về những món đồ gắn liền với thời thơ ấu, anh bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm... Cứ thế, càng chơi, càng bỏ công, bỏ sức tìm hiểu, anh Dũng Trường lại càng thêm đam mê, yêu thích... Chính những giây phút lắng lòng khi được nâng niu, ngắm nhìn những món đồ tồn tại qua nhiều thế kỷ cũng là lúc thêm thôi thúc anh phải tìm hiểu về các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khám phá những thông điệp thời gian ẩn chứa trên những món đồ, để rồi lại mong muốn được sở hữu, lưu trữ nhiều hơn nữa những giá trị văn hóa xưa cũ ấy.
Nói về thú chơi của mình, anh Dũng Trường kể: "Mỗi người có một thú chơi, sưu tầm khác nhau, song điều quan trọng đầu tiên là đam mê. Đặc biệt thú chơi đồ cổ rất kén người, nhưng nếu ai đã đam mê thì cổ vật có một sức hút kỳ lạ. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng làm việc để có tiền, mua được những món đồ cổ nhằm thỏa niềm yêu thích của mình".
Theo lời anh Dũng Trường, có những món đồ anh phải mất 3-5 năm mới tìm mua được. “Mỗi món đồ cổ đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử, một nền văn hóa hay một sự kiện nào đó. Khi tìm hiểu về nguồn gốc, câu chuyện xung quanh món đồ càng gây sự tò mò cho người chơi. Càng tò mò, người chơi lại càng mày mò tìm hiểu, có thêm nhiều kiến thức và khao khát sở hữu chúng”, anh Dũng Trường tâm sự.
Ghé thăm tư gia và cũng là nơi trưng bày đồ cổ của anh (khu làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông), tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp như đang bước vào một viện bảo tàng với hàng trăm món đồ cổ xưa độc đáo. Anh sở hữu rất nhiều món đồ quý hiếm, có tuổi đời đến hàng trăm năm, từ chiếc đồng hồ treo tường đến những món đồ bằng đồng hay gốm sứ. Có những món đồ được coi là kiệt tác nghệ thuật của Việt Nam: Bình sứ Bát Tràng từ thế kỷ XVII; đỉnh, lư xông trầm cung đình Huế... Có nhiều món đồ là biểu tượng cho các nền văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản... Trong đó, có những cổ vật trong bộ sưu tập của anh được cộng đồng yêu đồ cổ đánh giá cao như: Đèn dầu, đồng hồ tượng, những chiếc bình cúp gốm sứ với nhiều họa tiết cầu kỳ từng thuộc sở hữu của công tước xứ Magenta Pháp, đồng hồ thời Napoleon III với niên đại 1850-1870, máy hát loa kèn hiệu Victor - Made in USA...
... đến việc làm giàu
Tham gia sưu tầm đồ cổ nhiều năm nay, anh Dũng Trường tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng nhìn nhận, đánh giá đồ cổ tốt. Anh chia sẻ, để có thể đánh giá đúng giá trị của một món đồ cổ đòi hỏi người chơi phải có kiến thức, cảm quan nhạy bén. Chỉ cần nhìn qua nét vẽ, cốt sứ, chạm khắc… là có thể định được niên đại, giai đoạn lịch sử văn hóa, cũng như giá trị của món đồ. Đặc biệt, đây không chỉ là thú chơi mang tới niềm vui, sự say mê tìm tòi, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, sự phát triển của nhân loại, mà còn giúp anh làm giàu từ việc trao đổi, kinh doanh đồ cổ.
Kể về lý do vì sao lại lấy tên Dũng Trường trong giới chơi đồ cổ, anh nói: "Ban đầu, tôi lập Facebook cá nhân lấy tên Dũng Trường (tên ghép của con trai và em trai ruột) chỉ để “khoe” với bạn bè những món đồ mình sưu tầm được. Về sau, bạn bè đến nhà chơi, ngắm bộ sưu tầm của tôi. Một số người thích, có nhã ý muốn tôi nhượng lại... Tôi nghĩ, nếu giữ nhiều thì cũng không có đủ không gian để trưng bày và cũng không có khả năng mua những món đồ quý hiếm khác, nên nhiều món tôi đã nhượng lại nếu được giá...".
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đồ cổ là những món đồ có giá trị rất lớn, không phải ai cũng có đủ khả năng theo đuổi thú vui này. Song, theo anh Dũng Trường, mỗi người cũng có thể chơi theo cách riêng của mình, tùy theo sở thích, khả năng tài chính. Có những món đồ chỉ 3-5 triệu đồng như bình gốm nhỏ, hộp nữ trang...; có những món đồ có giá trị lớn hơn (20-50 triệu đồng) như đèn dầu, đồng hồ treo tường... Cũng có những món đồ lên đến tiền tỷ... Thường những món đồ từ 100 năm tuổi trở lên được gọi là cổ, từ 50 đến dưới 100 năm tuổi được gọi là đồ xưa, 20-40 năm gọi là đồ cũ. Giá trị của mỗi món đồ tùy thuộc vào độ tuổi, độ hiếm, độ độc lạ.
Song trên cả tiền bạc, điều khiến anh Dũng Trường cũng như nhiều nhà sưu tầm cổ vật thấy “giàu” hơn cả đó là kiến thức, các mối quan hệ khi được giao lưu với những người cùng sở thích; học hỏi nhiều bài học giá trị từ các tiền bối, các nhà nghiên cứu. Tư gia - nơi trưng bày bộ sưu tập đồ cổ của anh cũng chính là địa chỉ tìm đến của những người say mê sưu tầm đồ cổ. Nơi đó không chỉ đón giới chơi đồ cổ Hà thành mà cả những người chơi mọi miền Tổ quốc... Nói về những người chơi đồ cổ như anh Dũng Trường, nguyên Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội Đào Phan Long nói: "Đàm về chơi cổ vật thì còn nhiều chuyện, song chỉ biết nhiều thế hệ người Hà Nội đã rong ruổi tầm chơi cổ vật qua năm tháng, quên đi những phiền muộn trong cuộc sống. Họ cũng đều tốn kém tiền bạc, công sức mới mong có được một cổ vật đích thực cho mình. Trong lĩnh vực nghiên cứu và sưu tầm cổ vật, đã có nhiều bậc tiền bối chỉ ra rằng: Nếu chỉ đơn thuần sống vì tiền thì có lẽ chả bao giờ người đời có thể làm nên và lưu giữ được những bộ sưu tập cổ vật có giá trị cho cộng đồng".
Sự kiên trì, nhẫn nại cùng tình yêu với những món đồ lưu giữ giá trị vượt thời gian đã giúp anh Dũng Trường có được thành công như ngày hôm nay. Thú chơi này không chỉ mang lại cho anh nhiều niềm vui, những bài học giá trị, những mối quan hệ xã hội, mà còn giúp anh có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, chính giá trị mà mỗi sản phẩm mang lại bằng những câu chuyện ẩn sâu trong đó đã giúp anh tìm được ý nghĩa của việc mình đang làm - gìn giữ các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.