Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về những người vót vòng

Tuấn Nguyên| 09/07/2016 05:54

(HNM) - Đằng sau những mẩu chuyện tưởng như vụn vặt của những người làm nghề vót vòng, nan nón ở xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai (Hà Nội), có khi là những tràng cười giòn tan không dứt, có lúc lại là cái lắc đầu ngán ngẩm, là tiếng thở dài não nề cho tương lai của một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay...


“Thứ nhất làm quan, thứ nhì nan nón”

Một tay cầm dao, một tay ôm chặt các thanh tre đã được chẻ nhỏ, dài chừng 70cm, bà Lâm Thị Tít với chân đẩy chiếc ghế gỗ ra trước hiên nhà, ngồi xuống và bắt đầu làm công việc quen thuộc suốt mấy chục năm qua, vót vòng, nan nón. Không rõ có tự bao giờ và ông tổ nghề là ai, chỉ biết rằng nghề này gắn với đất Đôn Thư như cái nghiệp.

Công việc hằng ngày của vợ chồng “ông chủ vót vòng” Lê Văn Lược ở Đôn Thư, Thanh Oai.


Xưa rất xưa, như bao miền quê khác, cuộc sống của người dân nơi đây chỉ biết trông vào dăm thước ruộng. Khổ nỗi nghề nông èo uột, một năm hai vụ, quần quật sớm tối chỉ đủ gạo ăn. Thế rồi, thấy làng bên có nghề làm nón nức tiếng, chẳng biết ai đã nghĩ ra việc mua tre, nứa về chẻ nhỏ, vót thành vòng rồi đem bán lại. Lời lãi chẳng đáng là bao, nhưng nhờ thế mà bao năm qua mâm cơm của người nông dân Đôn Thư có thêm mớ rau xanh, con cá trong những tiết nông nhàn.

Nghề vót vòng, nan nón bảo dễ cũng đúng mà bảo khó cũng chẳng sai. Dễ ở chỗ, người làm không cần có trình độ cao. Chỉ cần một con dao thật sắc, vài bó tre, nứa chất lượng là có thể làm nghề. Nhưng cái khó là phải vót sao cho sợi vòng đều tăm tắp, trăm cái như một. Vừa phải “tròn hơn cả tròn, nhẵn trên cả nhẵn”, vừa có độ cong nhất định để khi người làm nón "bứt vòng", khoanh lại, ướm vào khuôn nón, sợi vòng đã tròn vành vạnh. Muốn thế, đôi tay của người thợ phải phối hợp thật nhịp nhàng, uyển chuyển, bởi nếu dùng lực không đều, lưỡi dao lia không đúng hướng thì sợi vòng coi như hỏng. Ai không có tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, khó làm được công việc này.

Có hai loại vòng nón. Loại làm bằng tre và thường được gắn ở vành nón gọi là vòng cái hay vòng cạp. Loại còn lại được làm bằng nứa, gọi là vòng con. Một thợ thạo nghề trung bình mỗi ngày có thể vót được tới 100 chiếc vòng cái. Vòng con thì khó tính hơn, thường phải tính bằng cữ. Một cữ gồm có sợi tròn và sợi nghiêng làm được khoảng 25 - 30 chiếc nón. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà nghề vót vòng, nan nón ở đây được “chuyên môn hóa” rất cao. Ví như, ở Đôn Thư - xóm 2, xóm 3 chuyên làm vòng con, trong khi xóm 7, xóm 8 chuyên làm vòng cái. Thời xưa đã thế mà thời nay vẫn vậy. Hỏi đến chuyện này, chị Lê Thị Hiền, xóm 2, cười bảo: “Trước nhà tôi ở xóm 9, xóm chuyên làm nón. Khi lập gia đình, tôi làm nón được một thời gian rồi chuyển dần sang vót vòng con cho hợp “gu” với... truyền thống của gia đình nhà chồng”.

Cũng như nón Làng Chuông, ngay từ xưa, vòng, nan nón Đôn Thư đã sớm nổi tiếng khắp vùng. Thế nên mỗi khi có ai hỏi thăm, người trong làng đều tự hào đọc vanh vách câu thành ngữ quen thuộc: “thứ nhất làm quan, thứ nhì nan nón”. Thì ra so với nghề làm quan, cái nghiệp này trước đây cũng chẳng chịu kém cạnh là bao.

“Sinh ư nghệ, bệnh… ư nghệ”!

Thu nhập đặc thù, thời gian làm việc đặc thù nên công việc của những người làm nghề vót vòng, nan nón cũng rất… đặc thù. Ngồi xuống, một tay cầm dao, tay kia cầm tre, nứa, lia lia, gọt gọt hết thanh này đến thanh khác, đó là tất cả công việc mà người thợ vót vòng phải làm. Từ lâu những người làm nghề vẫn thường được gọi vui là những người thích “ngồi” cũng vì thế. Ngồi từ 8 đến 12 tiếng, thu nhập trung bình của họ khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Đấy là khi đúng mùa, vòng được giá. Có những khi hàng ế ẩm, tiền công cả buổi ngồi vót vòng thậm chí không mua nổi một bát phở. Chẳng những thu nhập thấp mà sức khỏe của những người làm nghề cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nếu như ngày trẻ, đôi tay của những người thợ vót vòng nham nhở những vết xước thì đến khi về già gần như 100% người đều mắc các bệnh liên quan đến cột sống. Có những người mới ngoài 50 tuổi nhưng lưng đã còng, dáng đi lom khom chẳng khác gì cụ già 90.

Thế nhưng, những người theo nghề chưa bao giờ muốn… giải nghệ. Họ vẫn mê nghề đến mức ăn vòng, ngủ vòng, thậm chí đi thăm bạn ốm cũng phải cố kẹp nách bó tre, bó nứa để làm tranh thủ. Ông Lê Văn Lược, xóm 3 là một trong số những người như thế. Theo mẹ học nghề từ lúc 6 tuổi, đến nay, ông đã theo nghề được hơn 40 năm. Nhìn vẻ ngoài nhanh nhẹn, tháo vát, ít ai nghĩ gần 20 năm trước, ông Lê Văn Lược từng bao phen khốn đốn vì bị lệch cột sống. Uốn cong sợi nứa trên tay, lắc đầu cười, ông bảo: “Cột sống của một thằng thanh niên mới 20 tuổi hồi ấy chẳng khác như thế này là bao. Nó dị đến nỗi, sau khi xem kết quả chụp X-quang, bác sĩ lập tức gọi tôi đến và hỏi: “Thực sự tôi chưa thấy ai có cột sống như cậu cả. Có phải do di truyền không?”. Tôi lắc đầu và kể về thói quen, nghề nghiệp của mình. Nghe xong, ông bác sĩ già cười nắc nẻ, vỗ vai tôi nói: “Tưởng gì. Bệnh này dễ chữa thôi nhưng phải chịu khó và thật kiên nhẫn. Mỗi ngày cậu cứ dành 15 phút tập kéo xà đơn, chắc chắn sẽ khỏi”.

Những ngày sau đó, nắng cũng như mưa, đông cũng như hè, ông Lê Văn Lược đều mò mẫm dậy từ rất sớm để tập xà. Có hôm kéo nhiều đến nỗi người ông cứ nóng bừng bừng, mồ hôi túa ra như tắm. Kiên trì tập luyện nhiều năm, đến nay cột sống của ông đã gần như bình thường trở lại. Sau lần ấy, ai cũng tưởng ông sẽ bỏ nghề, nào ngờ ông Lê Văn Lược còn làm to hơn. Hiện nay, vợ chồng ông là chủ một trong những cơ sở chuyên cung cấp vòng, nan nón cho các tỉnh, thành phía Bắc. Chẳng những thế, ông còn tạo điều kiện để những người trong làng tới nhà vót vòng khoán, thu nhập mỗi người trung bình khoảng 75 - 80 nghìn đồng/ngày. “Nghề cha ông để lại, dù sướng khổ, sang hèn hay giàu nghèo, chừng nào còn sức khỏe, chừng đó vợ chồng tôi sẽ theo nghề đến cùng”, ông Lê Văn Lược chia sẻ.

Nguy cơ mai một

Với người làng Đôn Thư, nghề vót vòng, nan nón không chỉ là nghề kiếm cơm, bao năm qua nó còn là sợi dây kết chặt tình cảm gia đình, làng trên, xóm dưới. Hiếm thấy ai ngồi làm nghề một mình, họ thường ngồi thành một nhóm gồm 5-6 người, vừa làm vừa hỏi han, tán chuyện rôm rả. Những lúc cao hứng, bà con còn trổ tài hát hò, thách đố, thi vót vòng nhanh, vòng đẹp, cứ gọi là vui hơn Tết. Chẳng vậy mà, có bà cụ cả đời vất vả, về già được con cái đón ra thành phố để phụng dưỡng, báo hiếu nhưng được vài ngày đã nằng nặc đòi về. Hỏi mãi cụ mới bảo, cụ buồn vì nhớ nghề, nhớ quê.

Thế nhưng, cùng với sự vắng bóng của những chiếc nón lá trong cuộc sống thường nhật, sự lên ngôi của các loại mũ tân thời, giống như các làng nghề làm nón, hiện nghề vót vòng, nan nón cũng đang mai một dần. Một thời chưa xa, cứ cách vài tháng, những chiếc xe tải lại ầm ầm nối đuôi nhau về làng nhập hàng. Ngoài những nơi làm nón lân cận, các đơn hàng từ Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang cũng tới tấp tìm về. Khoảng 2 năm gần đây, các mối hàng ngày càng ít dần, số người theo nghề vì thế cũng giảm nhiều, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Ví như, thôn Ba Đình có tổng cộng 264 hộ với hơn 500 nhân khẩu nhưng hiện chỉ còn khoảng 80 hộ tiếp tục làm nghề.

“Những người theo nghề thường từ 50 tuổi trở lên. Nghề này không cần học, chủ yếu duy trì theo kiểu cha truyền, con nối nên việc mở lớp dạy nghề như các nơi khác là điều không thể. Tuy nhiên, chiếc nón vốn là biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt, gắn với nền văn minh lúa nước của dân tộc ta và trong cuộc sống hôm nay nó vẫn là một vật dụng cần thiết để che mưa, che nắng. Dù đã mai một đi nhiều nhưng tôi nghĩ chừng nào nghề làm nón còn thì chừng đó nghề vót vòng, nan nón ở Đôn Thư sẽ không chết”, ông Trịnh Quang Vinh, Trưởng thôn Ba Đình chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người vót vòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.