Nông nghiệp

Chuyện về người gần 50 năm làm giống hoa thược dược ở La Khê

Thu Hằng 08/02/2024 - 09:38

Đến phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, nhắc đến ông Nguyễn Trần Hùng, người có gần 50 năm làm giống hoa thược dược thì người dân gốc địa phương ai cũng biết.

Không chỉ sản xuất giống hoa thược dược, ông Hùng còn liên kết với nông dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sản xuất ra nhiều loại giống cây ăn quả khác để bán cho người dân các tỉnh, thành phía Bắc. Vậy mà ít ai biết, ông Hùng chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại nắm rất chắc kỹ thuật làm giống hoa, cây ăn quả, cách xử lý các loại sâu bệnh “nan y” của cây trồng và phổ biến cho bà con.

4.jpg
Ông Hùng chăm sóc cây thược dược bố mẹ, chuẩn bị cho vụ nhân giống mới.

Làm giàu từ nghề làm giống cây

Chúng tôi đến thăm vườn ươm giống của gia đình ông Nguyễn Trần Hùng, sinh năm 1958, ở tổ dân phố 4, phường La Khê, quận Hà Đông vào một ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mảnh vườn rộng chừng 220m2 không còn nhộn nhịp người đến mua cây giống như cách đây khoảng 2 tháng, nhưng trên khu vườn, những luống cây thược dược bố mẹ, một số loại giống cây ăn quả vẫn đang được vợ chồng ông chăm sóc xanh mướt mắt để chuẩn bị bán dịp đầu xuân cho khách xuống giống. Ông Hùng và vợ ông - bà Bùi Thị Thịnh đang thong thả dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết…

Rót trà mời khách, rồi nhâm nhi trong tâm trạng thư thái, ông Hùng bắt đầu câu chuyện về nghề làm giống cây trồng mà ông đã gắn bó gần 50 năm qua. Cũng chính nghề này đã giúp ông có được cơ ngơi khang trang, có của ăn, của để và nuôi dạy con cái ăn học, phương trưởng như ngày hôm nay.

“Tôi bén duyên nghề làm giống hoa, cây trồng các loại, đặc biệt là hoa thược dược vào năm 1977. Năm đó tôi phục viên trở về địa phương sau hơn 8 năm trong quân ngũ. Gia đình làm nghề nông, nhưng nếu chỉ trồng lúa, rau màu thì không thể giàu được, trong khi gia đình đông con, tôi lại không có thu nhập gì nên đã quyết đi tìm nghề mới để làm với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Qua tìm hiểu tôi thấy, làm giống cây, trong đó hoa thược dược là loại hoa được nhiều người yêu thích, nhất là dịp lễ, Tết, hoa bán lại được giá, nhưng kỹ thuật làm giống, trồng hoa này rất khó vì hay bị chết nên nhiều người đã bỏ nghề, không làm. Sau khi học tập được kỹ thuật trồng của lớp người đi trước, nắm bắt thị hiếu, tôi bắt đầu đi mua các loại giống hoa, cây ăn quả về thử nghiệm trên mảnh vườn của ông cha”, ông Hùng tâm sự.

Vừa học, vừa làm, ngay trong năm đầu tiên ông Hùng đã gặt hái được thành công ban đầu. Ngoài bán hàng chục nghìn cây giống thược dược, cúc… cho người dân địa phương và các huyện lân cận mua về trồng, gia đình ông đã trồng hoa thược dược để bán vào dịp Tết năm đó nên thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và rau màu. Thắng lợi từ vụ đầu tiên, những năm sau đó, ông Hùng đã mở rộng diện tích làm giống hoa, cây ăn quả các loại ra gần 1 mẫu đất nông nghiệp của gia đình…

Điều đáng quý nhất là ông Hùng đã thành công trong việc chuyển kỹ thuật nhân giống hoa thược dược từ để giống bằng củ sang ươm bằng mầm từ khoảng năm 1994 đến nay.

“Trước đây để giống bằng củ, cây giống đạt ít lại tốn diện tích cất giữ củ, thu nhập không cao. Nhưng từ ngày tôi áp dụng phương pháp nhân giống bằng ươm mầm, sản lượng cây tăng gấp 8-10 lần so với trước, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”, ông Hùng cho biết.

3.jpg
Dù tuổi đã cao, nhưng vợ chồng ông Hùng vẫn rất yêu nghề sản xuất cây, hoa giống.

Quyết tâm giữ nghề

Nghề làm giống hoa, cây ăn quả không phải ai cũng có thể thành công, đặc biệt là với ông Hùng - một người nông dân chưa trải qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng ông lại là người gặt hái được nhiều thành công kể từ khi bén duyên với nghề này.

Không chỉ làm giống hoa thược dược, cây ăn quả tại gia đình, nắm bắt nhu cầu mua cây giống ngày càng lớn của nhân dân trong và ngoài quận, các tỉnh, thành phố lân cận, vào năm 1980, ông Hùng đã liên danh với gần 10 hộ dân ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), phường Biên Giang và Đồng Mai (quận Hà Đông) làm giống hoa thược dược. Được ông chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu giống sau khi sản xuất ra nên các hộ liên danh với gia đình ông đã gặt hái thành công ngay trong những năm đầu, đem lại thu nhập ổn định cho mỗi gia đình.

Và cứ thế, từ thành công bước đầu, ông Hùng tiếp tục bám nghề làm giống hoa thược dược, sau đó tiếp tục học kỹ thuật làm một số loại cây ăn quả khác cho đến hôm nay. Hiện nay, ông đang hợp tác với hộ ông Nguyễn Trần Long, ở phường La Khê để sản xuất giống hoa thược dược và một số hộ dân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để sản xuất và bán các loại giống cây ăn quả như đu đủ, táo Đài Loan, mít, ổi Đài Loan, hồng xiêm…

1.jpg
2.jpg
Ông Hùng bên vườn ươm các loại cây ăn quả.

Khi được hỏi ông đã làm gì để có được thành công khi chế ngự được hầu hết các loại bệnh “nan y” khi làm giống hoa thược dược, ông Hùng chia sẻ: “Trong gần 50 năm làm giống hoa thược dược, bản thân tôi đã nhiều lần thất bại khi mất trắng nhiều luống giống hoa bị chết do sâu bệnh. Song “cái khó ló cái khôn”, để có thể chế ngự được sâu bệnh hại, một mặt tôi tìm mua các loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống về đọc, mặt khác tích cực học hỏi kinh nghiệm của anh em làm trong lĩnh vực nông nghiệp, của bạn bè, đặc biệt tự mày mò, pha chế các loại thuốc trừ sâu bệnh rồi thử nghiệm ngay tại vườn. Thế rồi, mọi nỗ lực đã được đền đáp, hầu hết các loại sâu bệnh trên cây giống thược dược như bệnh thối gốc, xoăn lá, lạc lá, sâu ăn lá… đã được tôi chế ngự hoàn toàn”.

Theo chia sẻ của ông Hùng, hiện thị trường giống cây, hoa thược dược được ông bán đi các tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và các quận, huyện thuộc Hà Nội (Mê Linh, Bắc Từ Liêm…) với số lượng khoảng 50 vạn cây giống/năm. Các giống hoa được người dân ưa chuộng mua trồng như thược dược biến, đỏ, vàng.

Từ 220m2 vườn của gia đình sử dụng làm nơi sản xuất giống, bình quân mỗi năm gia đình ông Hùng thu được khoảng 200 triệu đồng lãi từ việc ươm giống hoa thược dược tại nhà; khoảng 150 triệu đồng từ việc liên kết với các hộ dân sản xuất giống thược dược và cây ăn quả khác.

Làm nghề sản xuất cây giống bận như chăm con mọn, ấy vậy mà nhiều năm qua ông Hùng vẫn gắn bó với nghề, chưa một lần muốn từ bỏ. Ông nói: “Thấy tôi có tuổi, hay ốm đau khi trái nắng trở trời, các con tôi đều khuyên bỏ nghề, nhưng tôi không nghe. Còn khỏe ngày nào tôi còn trồng, chăm sóc, nhân giống hoa, cây ăn quả ngày đó. Hiện hằng ngày, vợ chồng tôi vẫn luôn tay tưới, chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật… cho cây giống”.

Nhận xét về ông Nguyễn Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường La Khê Bạch Quang Đại cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, dạy dỗ 3 người con ăn học, phương trưởng, ông Hùng luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người gần 50 năm làm giống hoa thược dược ở La Khê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.