Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ban Bạn đọc| 10/01/2015 07:16

Do công việc, tôi thường phải đi công tác trong thời gian dài. Nhiều khi tôi lo lắng, nếu không may ốm đau không thể điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thì có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế mà tôi đã tham gia từ nhiều năm nay không? Đặng Chí Nghĩa (huyện Ứng Hòa)

Do công việc, tôi thường phải đi công tác trong thời gian dài. Nhiều khi tôi lo lắng, nếu không may ốm đau không thể điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thì có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế mà tôi đã tham gia từ nhiều năm nay không?
Đặng Chí Nghĩa (huyện Ứng Hòa)

Trả lời:

Theo Điều 9, Thông tư số 37/2014/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015), thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm:

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thủ tục chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Sử dụng giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ bảo hiểm y tế:

a) Trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
b) Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
c) Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký;
d) Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại phụ lục kèm theo thông tư này (47 bệnh, nhóm bệnh và các trường
hợp như bệnh lao, bệnh phong, HIV/AIDS, ung thư...) thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch (ngày 31 tháng 12 năm đó). Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó, người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng hết đợt điều trị nội trú đó.

3. Sử dụng giấy hẹn khám lại: Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 01 (một) lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Trường hợp người bệnh cấp cứu: Tình trạng cấp cứu do người tiếp nhận người bệnh (bác sỹ, y sỹ) đánh giá, xác định và được ghi vào hồ sơ, bệnh án.

5. Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn thì xác định là khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến.

6. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.