Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai

Vương Tuấn Anh| 28/08/2016 06:35

(HNM) - Năm 2016, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn được dự báo có diễn biến phức tạp, khó lường. Lũ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Thực tế này đòi hỏi công tác phòng chống lụt bão, ứng phó với thiên tai phải chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai.

Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Ông Trần Quang Hoài.


Hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng

- Diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng lớn đến nước ta, 3 trận bão kể từ đầu mùa đã gây tổn thất lớn về người và tài sản. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và trở thành mối lo ngại của toàn cầu trong thế kỷ XXI. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng cực đoan hơn cả về tần suất, cường độ và không theo quy luật. Trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm, thiên tai đã khiến trên 300 người thiệt mạng, mất tích; thiệt hại kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Theo thống kê, cơn bão số 1 và số 2 vừa qua đã làm 20 người chết và mất tích; 82 người bị thương; 85.519 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.011 nhà bị ngập nước; 1.319 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng; 31.526 cột điện bị gãy, đổ; khoảng 27.000m3 đất đá bị sạt lở; thiệt hại về nông nghiệp hơn 216.000ha. Ước tính, tổng thiệt hại do bão số 1 và mưa lũ do bão số 2 gây ra khoảng 6.708 tỷ đồng. Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại khu vực phía Bắc, làm 6 người chết, 2 người mất tích, 4 người bị thương; khiến 30 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 426 nhà bị tốc mái, hư hại...

- Các lực lượng chức năng đã triển khai những giải pháp nào nhằm giảm thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại sản xuất sau bão?

- Sau khi bão đi qua, công tác khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân những vùng bị thiệt hại được triển khai khẩn trương. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm những người còn bị mất tích, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị nạn; giúp đỡ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị sập đổ, trôi, hư hại do bão, lũ, sớm ổn định đời sống... trong mọi trường hợp không để người dân bị đói. Bên cạnh đó là tiếp tục chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để sớm ổn định lại đời sống, khắc phục hệ thống giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt; sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo với tinh thần chủ động, quyết liệt hơn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

- Qua những cơn bão gần đây cho thấy công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão ở nước ta còn có hạn chế nhất định. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Thiệt hại do bão số 1 và mưa lũ do bão số 2 gây ra một phần là do chúng ta còn thiếu nguồn lực đầu tư, phương tiện cho công tác truyền thông để phổ biến, tuyên truyền, đặc biệt tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có chỗ, có nơi còn lúng túng bị động, nhất là việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi các nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản ứng phó có nơi còn chưa sát với thực tế và không kịp thời. Một số công trình xây dựng không được kiểm tra thường xuyên, khả năng chống chọi của hệ thống các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, dự báo càng chính xác bao nhiêu thì công tác đối phó thiên tai sẽ càng sát thực bấy nhiêu, giảm thiệt hại về người và tài sản.

Nâng cao năng lực dự báo

- Biến đổi khí hậu, hoạt động của bão trái quy luật, đòi hỏi công tác dự báo phải chính xác hơn. Theo ông, công tác dự báo hiện nay thế nào?

- Trung tâm dự báo đã có nhiều cố gắng và nhận định được đúng hướng di chuyển và tình hình mưa hoàn lưu sau bão, tuy nhiên thực tế các cơn bão vừa qua trong một số thời điểm, trường hợp việc nhận định còn chưa thật sát với diễn biến, cần có những biện pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo.

- Có ý kiến cho rằng, việc dự báo bão chưa chính xác, nhất là cường độ, thời gian bão quần thảo trên đất liền nên nhiều địa phương, ngành bị thiệt hại nặng. Cần phải làm gì để khắc phục hạn chế này?

- Dự báo thiên tai là công việc rất khó khăn, yêu cầu dự báo chính xác, kịp thời các tình huống thiên tai đang là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc dự báo vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai ở các địa phương. Bởi vậy, cần được chú trọng đầu tư nâng cao năng lực công tác dự báo với những giải pháp hữu hiệu.

- Ông có lưu ý đặc biệt gì về xu thế mưa, bão, lũ trong những tháng cuối năm 2016?

- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trạng thái khí quyển - đại dương toàn cầu hiện nay đang ở trạng thái trung tính, chuyển từ pha nóng (El Nino) sang pha lạnh (La Nina). Khả năng cao xuất hiện La Nina cường độ trung bình tới yếu trong các tháng cuối năm 2016. Hệ quả của việc chuyển pha này làm cho mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tác động lên nước ta sẽ kết thúc muộn hơn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ xuất hiện với tần suất và cường độ cao hơn năm 2015, đặc biệt khu vực miền Trung... Các phân tích mới đây cho thấy, khả năng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông vẫn còn 6-8 cơn, trong đó khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 3-4 cơn. Nguy cơ nước biển dâng do bão, ATNĐ từ nay đến tháng 12 sẽ cao hơn năm 2015. Ngoài ra, các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông.

Chủ động phòng chống và quản lý rủi ro

- Trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, công tác phòng chống bão, lũ của Việt Nam được đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, nỗ lực của người dân cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong nhiều năm qua chúng ta đã nỗ lực không ngừng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: Chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai. Thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ từ đó đề ra các kế hoạch hành động cụ thể. Ngoài xây dựng, củng cố các công trình phòng chống thiên tai như đê, đập, hồ chứa, nhà tránh trú bão cộng đồng… thì giải pháp phi công trình cũng luôn được chú trọng như: Áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, tăng độ chính xác trong công tác dự báo; lồng ghép phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép các chương trình, đề án thực hiện phòng chống và giảm nhẹ thiên tai với biến đổi khí hậu; thực hiện các cam kết quốc tế như Hiệp định AADMER, khung hành động Sendai, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP)...

- Theo ông, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ gì?

- Để chủ động ứng phó và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai có hiệu quả, trước hết phải thực hiện nghiêm túc các kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lũ. Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Hai là, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt, bão để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Ba là, kịp thời trang bị cung cấp, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn cho các đơn vị, địa phương phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu của từng địa bàn và tổ chức huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt tại những địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ. Bốn là, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn; bảo đảm tuyệt đối an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng, bảo vệ đê, kè, cống, hồ chứa nước, địa điểm di dời sơ tán dân… không để các phần tử xấu lợi dụng thiên tai, lụt, bão, sự cố để hoạt động phá hoại, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.

Một vấn đề quan trọng là phải xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức phòng chống thiên tai, đặc biệt là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, chỉ huy các cấp đủ mạnh về cả lực lượng, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đi đôi với việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cần chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo, trực ban trong mùa mưa bão, khi xảy ra sự cố bất ngờ về thiên tai, thảm họa; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, lụt bão, tai nạn, sự cố; xây dựng các kịch bản và sẵn sàng các phương tiện vật tư thiết yếu cho triển khai thực hiện hiệu quả các kịch bản. Ngoài ra cần chủ động việc ứng phó với tình huống mưa lũ, ngập úng các khu vực đô thị, vùng trũng ven sông suối…

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan sơ kết, đánh giá và đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; hoàn thiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới, trong đó xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là vai trò của người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

- Cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.