(HNMCT) - Thời nào cũng vậy, mỗi câu chuyện về ẩm thực hay trang phục, đằng sau đó cũng đều phản ánh một đời sống tinh thần. Cho nên, sau “Ngàn năm áo mũ” dựng lại một bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng từ thời Lý đến thời Nguyễn, thì đến “Chuyện trà”, Trần Quang Đức lại mang đến cho độc giả những trang viết về lịch sử thứ đồ uống lâu đời của người Việt.
Khởi đầu là đồ uống bình dân, theo thời gian, trà dần dà được nâng tầm nghệ thuật. Tới ngày nay, trà lại quay trở lại làm thức uống đơn thuần với người dân miền quê hằng ngày vẫn om những nồi chè tươi uống giải khát, cánh nam giới phố thị nhiệt thành với chén trà bên quán cóc vỉa hè, còn giới trẻ ngày càng ưa thích những loại “trà sáng tạo” như trà sữa, trà vải, trà đào cam sả, trà chiều kiểu Anh… Lịch sử của thứ thức uống lâu đời ấy trong “Chuyện trà” trở đi trở lại theo 5 phần: “Trà nguồn cội”, “Trà mộc mạc”, “Trà hương sắc”, “Trà thưởng thức”, “Trà tinh thần”.
Trần Quang Đức kể những câu chuyện trà qua nhiều trang văn, sử của tiền nhân. Độc giả có thể tìm hiểu nguồn gốc cây chè, khảo sát về tên gọi trà, thưởng thức trà với tinh thần Phật giáo, tinh thần thưởng trà của trà nhân. Tác giả khi đưa bạn đọc đến với lối uống dân dã để thấy sự phổ biến của chè tươi, lúc lại dẫn tới những không gian của trà hương sắc “thủy đỉnh, trà rót quyện hương sen”, hay “ngắm nghía nói cười bên khóm cúc, thưởng trà thết rượu hứng chưa tan”. Những câu chuyện của người xưa thưởng trà, với những nhân vật đặc biệt như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát… khiến những trang viết của “Chuyện trà” thêm phần đặc sắc, thú vị. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, “mỗi người, khi cầm cuốn sách này lên và đọc sẽ tìm thấy trong nó những điều thú vị riêng. Với riêng tôi, khi đọc “Chuyện trà”, tôi thấy mình thêm một lần được nghe thấy tiếng của cha ông”.
Viết về trà nhưng không chỉ nói về trà. Vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian, “Chuyện trà” còn là sự kết nối con người trong một thế giới tinh thần dung dị. Ở “Chuyện trà”, người đọc có thể tìm thấy chốn nghỉ chân thanh nhã, để thưởng ngoạn từ một thức uống thuần túy đến thế giới tâm tưởng xa xôi. Không còn là sự hữu hạn của một chén trà, mà từ chén trà ấy, thế giới tinh thần có thể mở ra không gian và thời gian bao la. Như chính tác giả Trần Quang Đức hy vọng “Chuyện trà” còn là sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp truyền thống với nhịp sống tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế, giữa những người yêu trà và thích luận bàn “Thiền trà một vị…”.
Đặc biệt, Trần Quang Đức dành cho những độc giả yêu lịch sử và văn chương một phụ lục “Thưởng trà giai phẩm” tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt. Đây là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây, “Chuyện trà” không chỉ mang tính khảo cứu, mà còn là sự hài hòa giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng thế thái nhân tình bên chén trà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.