Vụ tấn công khủng bố vừa rồi vào buổi hòa nhạc ở ngoại ô thủ đô Mátxcơva của Nga gây ra cú sốc lớn không chỉ đối với nước Nga mà cả thế giới.
Vụ việc này cũng gây bất lợi nhiều cho cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bởi ông Putin vừa tái đắc cử Tổng thống Nga, chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 và rất cần an ninh và ổn định chính trị - xã hội ở nước Nga trong bối cảnh quốc gia này đang ở trong cuộc chiến với Ukraine, đối địch với phe phương Tây và Ukraine tăng cường đem chiến sự sang phía lãnh thổ Nga.
Vụ việc này cũng buộc nước Nga phải liên tưởng lại chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ. Trong những năm cầm quyền đầu tiên của ông Putin, nước Nga đã từng bị khủng bố tấn công. Đó là vụ bắt giữ con tin ở Nhà hát Dubrovska năm 2002 và tấn công vào trường học ở Beslan năm 2004, rồi những vụ đánh bom tự sát trong những năm 2010, 2011 và 2013. Trong gần 30 năm qua, khủng bố xảy ra ở nhiều quốc gia châu Âu chứ đâu chỉ ở riêng nước Nga. Thủ phạm gần như đều là những tổ chức, mạng lưới và phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Nhưng bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và nước Nga khác biệt rất cơ bản so với những thời điểm trong quá khứ đã xảy ra các vụ khủng bố ở nước Nga. Ở châu Âu từ hơn hai năm nay có cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng như có cuộc đối địch quyết liệt giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. Nga đã chuyển từ coi cuộc chiến ở Ukraine ban đầu là một chiến dịch quân sự đặc biệt sang thành cuộc chiến tranh thực thụ trên danh nghĩa chính thức. Tức là Nga đã chính thức xác nhận nước này đang ở trong tình trạng chiến tranh, hàm ý định hướng dư luận và người dân ở Nga nhận thức rằng chiến tranh không còn chỉ diễn ra ở Ukraine.
Bối cảnh tình hình như thế làm cho nước Nga trở nên dễ bị tổn thương hơn về an ninh nội bộ bởi thuận lợi cho những hoạt động khủng bố của các tổ chức, mạng lưới, lực lượng và phần tử khủng bố ở bên trong cũng như bên ngoài nước Nga, đặc biệt là của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong quá khứ, nước Nga và khối các nước phương Tây hợp tác chặt chẽ với nhau cùng đối phó khủng bố. Hiện tại, hai bên ở hai phía của chiến tuyến trong cuộc chiến ở Ukraine cũng như trong chính trị thế giới. Khi xưa, hai bên đồng thuận quan điểm về điểm danh những kẻ khủng bố và những kẻ giật dây. Bây giờ, sự đồng thuận ấy không còn. Nga cho rằng vụ khủng bố ở buổi hòa nhạc vừa qua có liên quan đến Ukraine, trong khi phía Ukraine bác bỏ mọi dính líu và phe khối phương Tây tập trung quả quyết thủ phạm khủng bố là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Vụ khủng bố còn bất lợi cho ông Putin ở chỗ đã quản lý nước Nga hơn 24 năm qua và chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm tới mà an ninh trong nước vẫn chưa được bảo đảm chắc chắn, do đó, uy tín cá nhân không thể không bị ảnh hưởng gì. Vụ việc này chắc không làm lay chuyển quyết tâm của ông Putin tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đối địch với khối phương Tây cho tới khi đạt được mọi mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, cũng sẽ buộc ông Putin phải để tâm nhiều hơn, bận rộn nhiều hơn với việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh ở trong nước. Ông Putin sẽ bị buộc phải giải quyết cơ bản và triệt để hơn vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở bên trong nước Nga.
Bối cảnh tình hình mới ở châu Âu và nước Nga không chỉ làm tái diễn mối đe dọa an ninh cũ, mà còn gây nguy hại hơn đối với nước Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.